UBND tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc, các tổ chức tín dụng và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì triển khai quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền nội dung kéo dài thời gian áp dụng các quy định của Nghị quyết số 42 đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn và các đơn vị liên quan. Các sở, ban, ngành liên quan, UBND các địa phương trong tỉnh tăng cường thực hiện công tác tuyên truyền và các biện pháp trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả hoạt động xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khiến các ngân hàng cũng đối mặt nhiều thách thức, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các ngân hàng không ít khó khăn.
Đến hết tháng 10/2023, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh là 970 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,8%/ tổng dư nợ. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh xử lý thu hồi nợ và tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo đúng quy định, không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, chủ động rà soát để đảm bảo an toàn nguồn vốn cho vay.
Việc tiếp tục triển khai Nghị quyết số 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu chính là động lực đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, góp phần khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh kinh tế đang dần hồi phục.
Hải Đăng