Với mục tiêu phát triển theo hướng bền vững, đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn cho người dân, ngành Nông nghiệp Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ cao vào chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chăn nuôi lợn đã nhiều năm, anh Sái Văn Xuân, phường Định Trung, thành phố Vĩnh Yên cho biết, hiện anh muốn mở rộng mô hình chăn nuôi, đầu tư theo hướng ứng dụng công nghệ để hạn chế dịch bệnh nhưng nguồn vốn đang là rào cản khó khăn đối với anh.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 100 nghìn cơ sở chăn nuôi, tuy nhiên chỉ có hơn 4% cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại, còn lại là chăn nuôi nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình, vì vậy việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Vì để xây dựng một mô hình trang trại chăn nuôi áp dụng công nghệ cao ở mức quy mô trung bình thì chi phí gấp từ 4 đến 5 lần so với trang trại theo mô hình truyền thống.
Để tháo gỡ những rào cản và thúc đẩy đầu tư công nghệ cao vào chăn nuôi, Sở Nông nghiệp & PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số ngành Nông nghiệp; trong đó, tăng cường tuyên truyền, tập huấn phổ biến kiến thức cơ bản về chuyển sổi số cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ xây dựng mô hình áp dụng chuyển đổi số trong chăn nuôi lợn thịt để người người chăn nuôi tham quan, học tập mô hình và nghiên cứu tham gia. Từ đó, từng bước đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới vào chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường.
Phương Liên