Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình, bà Trương Thị Đông ở xã Bằng Cả vẫn đều đặn truyền nghề thêu thổ cẩm trên trang phục, phụ kiện cho chị em trong các bản, các xã ở thành phố Hạ Long để nhiều người vừa diện trang phục mới đi cưới hỏi, lễ hội vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Ở vùng cao Hoành Bồ (cũ) Tp Hạ Long, Quảng Ninh có khoảng 13.000 người Dao Thanh Y và Thanh Phán sinh sống. Với mong muốn giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc mình, bà Trương Thị Đông ở xã Bằng Cả vẫn đều đặn truyền nghề thêu thổ cẩm trên trang phục, phụ kiện cho chị em trong các bản, các xã ở thành phố Hạ Long để nhiều người vừa diện trang phục mới đi cưới hỏi, lễ hội vừa có thêm thu nhập lúc nông nhàn.
Mới 7h30 sáng, các bà các chị qua từng nhà rủ nhau đi đến lớp học đặc biệt được mở ở Nhà văn hóa thôn Đồng Bé xã Sơn Dương. Bà Trương Thị Đông (61 tuổi, nhà ở xã Bằng Cả cách lớp học gần 20km) được chồng đưa bằng xe máy theo con đường dốc quanh co đến hướng dẫn cho các học viên thêu thổ cẩm. Không phấn trắng, bảng đen, dụng cụ học tập chỉ là những miếng vải thêu được bà lựa chọn kỹ càng, các loại chỉ màu chia đều cho mỗi người trong từng túi riêng. Giờ học bắt đầu từ những bài truyền miệng như: Chọn vải thêu, phối màu chỉ, sử dụng thành thạo các dụng cụ thêu, cách thêu các hoạ tiết, hoa văn thổ cẩm truyền thống… Bà Đông còn thêu mẫu trên những tấm vải nhỏ, cầm tay từng người căn khoảng cách đặt mũi kim.
Bà Trương Thị Đông (61 tuổi), nhà ở xã Bằng Cả cách lớp học gần 20km được chồng đưa bằng xe máy theo con đường dốc quanh co đến hướng dẫn cho các học viên thêu thổ cẩm.
Chị Triệu Thị Thùy (18 tuổi) ở thôn Đồng Bé cho biết: Mỗi tối thứ 5, 6 và cả ngày thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, chị đều đến lớp học thêu. Khi biết thêu các mũi cơ bản, chị còn sáng tạo ra các hình thêu mới: "Tôi học lớp cô Đông dạy từ tháng 10. Mới đầu học thấy hơi khó nhưng 1,2 tuần đã biết thêu. Tôi học lý thuyết song song với thực hành. Mới đầu học thêu dấu X, sau thêu hình con chim, lá cây… Mình cảm thấy rất vui khi được học lớp thêu này và mong muốn thêu được 1 chiếc áo dân tộc Dao Thanh Phán dành tặng cho mẹ hoặc người thân. Việc này vừa giữ được bản sắc dân tộc vừa truyền lại cho con cháu, anh chị em sau này".
Trang phục của người phụ nữ Dao có sự kết hợp hài hoà về màu sắc chủ đạo: xanh, đỏ, vàng, trắng thêu trên nền vải chàm.
Bà Trương Thị Đông có bà nội và mẹ đẻ đều là người am tường về phong tục tập quán của người Dao, chị gái của bà là nghệ nhân dân gian Trương Thị Quý hát hay, thêu giỏi và thường đưa bà theo lễ hội, lễ cấp sắc, đám cưới... Những câu dân ca và mũi khâu dần ngấm vào máu, bà Đông trở thành người rành rẽ kỹ thuật thêu đẹp nhất, tinh xảo nhất trên trang phục của người Dao Thanh Phán. Trang phục của người phụ nữ Dao như bức tranh thiên nhiên với sự kết hợp hài hoà về màu sắc chủ đạo: xanh, đỏ, vàng, trắng trên nền vải chàm. Nổi bật hơn cả là các hoạ tiết, hoa văn như: chim, hoa lá, sao, quả trám… hoàn toàn được các chị em thêu tay tỉ mỉ, tinh tế ở vạt áo, thắt lưng hay chiếc túi đeo.
Bà Trương Thị Đông cho biết: Họa tiết hình cây ở trang phục người Dao Thanh Phán và hoa văn trên yếm của người Dao Thanh Y là thêu khó nhất: "Từ năm 2013, tôi dạy tại nhà, dạy cho mọi người xung quanh. Được Sở Văn hóa về khơi dậy bản sắc của dân tộc mình, mở các lớp dạy nghề và bảo mình đến dạy, mình sẵn sàng ngay. Sau lớp học thêu này, tôi thấy bản sắc dân tộc mình được nâng lên, ai cũng biết thêu, nhà ai cũng có một bộ trang phục, rất là phấn khởi"...
Bà Đông rành rẽ kỹ thuật thêu đẹp nhất, tinh xảo nhất của người Dao Thanh Y và hiểu rõ cả họa tiết trên trang phục của người Dao Thanh Phán
Hơn 10 năm lặn lội đi các bản dạy thêu, bà Trương Thị Đông không nhớ mình đã đứng lớp hướng dẫn cho bao nhiêu người. Nhiều học viên của bà bây giờ cũng trở thành trợ giảng, truyền dạy đam mê cho những người khác, nhất là các bạn trẻ.
Bà Triệu Thị Thu (46 tuổi, thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, TP Hạ Long) ngắm nghía đường thêu mình vừa thực hành, hào hứng khoe với các bạn cùng lớp và cảm thấy các chị em trở nên thân thiết hơn qua những đường kim, mũi chỉ: "Không biết là đi học có thể làm được không, thêu được không? Khi làm đồng về, tôi tranh thủ ăn cơm, tắm giặt rồi hào hứng lên lớp, cô giáo chỉ bảo từng nét một. Các chị em kể chuyện cho nhau công việc đồng áng, giao lưu với nhau, vừa thêu vừa học hỏi nhau về làm ăn kinh tế, cách sống bình đẳng trong gia đình. Tôi cũng muốn khi khách du lịch đến đây sẽ để ý nhiều hơn, quan tâm và ủng hộ sản phẩm thổ cẩm của bà con dân tộc".
Các chị em vừa thêu vừa học hỏi nhau về làm ăn kinh tế, cách sống bình đẳng trong gia đình.
Bà Trương Thị Đông cho rằng: Nhiều chị em biết làm trang phục hơn, càng phải truyền dạy để không mai một trang phục của mình, bộ trang phục truyền thống để đón khách đến thăm, để đến để cúng lễ cấp sắc, đón tết, múa hát, giao duyên... Đó cũng là cách để người phụ nữ Dao Thanh Y này bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp giữa thành phố biển và ghi dấu ấn trong lòng bạn bè bốn phương.
Theo Hoàng Hiền- Huyền Chi/VOV-Đông Bắc - 05/12/2023
https://vov.vn/van-hoa/nguoi-truyen-nghe-theu-tho-cam-cua-nguoi-dao-post1063353.vov