Quốc hội Mỹ dự kiến trong hôm nay (6/12) sẽ bỏ phiếu lần đầu về gói viện trợ nước ngoài trị giá hơn 100 tỷ USD theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden, trong đó có khoản viện trợ bổ sung trị giá hơn 61 tỷ USD cho Ukraine.
Nhà Trắng đang tìm cách gia tăng sức ép với các nhà lập pháp, trong khi một phái đoàn an ninh và quân sự cấp cao Ukraine cũng đã tới Mỹ nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh.
Theo Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, các nhà lập pháp phải lựa chọn giữa việc bảo vệ các giá trị mà Mỹ vẫn luôn xây dựng với các đồng minh hoặc đi vào vết xe đổ của những bài học trong quá khứ. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết:
“Tôi sẽ cho đảng Cộng hoà cơ hội bổ sung một sửa đổi về chính sách biên giới. Nếu chúng ta đạt được bước tiến trong các vấn đề biên giới và nhập cư, họ có thể đưa ra bất cứ điều gì họ muốn. Hãy nhớ rằng, chính đảng Cộng hoà đã đặt vấn đề biên giới lên bàn đàm phán, chứ không phải chúng tôi. Vì vây nếu tin rằng biên giới phải là một phần của gói viện trợ Ukraine, thì họ hãy đưa ra một sửa đổi để có thể được tất cả thông qua”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Các thượng nghị sĩ nòng cốt của cả đảng Cộng hoà và Dân chủ từ nhiều tuần nay đã thảo luận về một thoả thuận có thể kết hợp giữa vấn đề an ninh biên giới với các khoản hỗ trợ dành cho Ukraine và Israel. Tuy nhiên đàm phán đã thất bại vào cuối tuần qua khi đảng Dân chủ không chịu nhượng bộ các điều khoản bị cho là “quá khắc nghiệt” của đảng Cộng hòa.
Tính đến nay, Quốc hội Mỹ đã phân bổ 111 tỷ USD để hỗ trợ Ukraine, bao gồm 67 tỷ USD mua sắm quân sự, 27 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và dân sự và 10 tỷ USD cho viện trợ nhân đạo. Theo Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Mỹ Shalanda Young, tất cả số tiền đó, ngoại trừ khoảng 3% kinh phí quân sự, đã cạn kiệt từ giữa tháng 11.
Với một Quốc hội bị chia rẽ, đảng Cộng hòa chiếm đa số mong manh tại Hạ viện, nhưng đảng Dân chủ lại kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ sít sao, một thoả thuận lưỡng đảng là cần thiết để bất kỳ đạo luật nào có thể được thông qua. Việc liên kết hỗ trợ quân sự dành cho Ukraine với an ninh biên giới Mỹ đã đặt chính quyền Tổng thống Joe Biden vào thế khó. Một bên là một trong những vấn đề chính trị gây chia rẽ nhất trong nước là nhập cư và biên giới với một bên là những cuộc tranh luận gay gắt về chính sách đối ngoại. Nhà lãnh đạo Mỹ nhiều lần nhấn mạnh, việc cung cấp viện trợ cho Ukraine là một yêu cầu khẩn cấp và sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật nào không bao gồm vấn đề này:
“Các giá trị của Mỹ là điều giúp chúng ta trở thành đối tác mà các quốc gia khác đều mong muốn hợp tác. Tuy nhiên, điều này sẽ bị thử thách nếu chúng ta rời khỏi Ukraine và quay lưng lại với Israel. Đó là lý do tại sao tôi sẽ gửi tới Quốc hội một yêu cầu ngân sách khẩn cấp để tài trợ cho nhu cầu an ninh quốc gia của Mỹ. Hỗ trợ các đối tác quan trọng của chúng tôi, bao gồm Israel và Ukraine là một khoản đầu tư thông minh sẽ mang lại lợi ích cho an ninh Mỹ trong nhiều thế hệ”.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cho biết họ đã giảm tốc độ hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong những tuần gần đây để cố gắng kéo dài nguồn cung cho đến khi Quốc hội phê duyệt thêm nguồn tài trợ.
Các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu Ukraine trong tuần này đã đến Washington và dự kiến có một loạt cuộc họp quan trọng với các đối tác Mỹ và NATO.
Ukraine muốn sớm nhận được “đèn xanh” của Quốc hội Mỹ trước khi Mỹ và Liên minh châu Âu bước vào các cuộc bầu cử quan trọng vào năm tới có nguy cơ gây chậm trễ thậm chí là trì hoãn bất kỳ quyết định ngân sách nào.
Theo Thu Hoài/VOV1- 06/12/2023
Tổng hợp
https://vov.vn/the-gioi/quoc-hoi-my-se-bo-phieu-lan-dau-ve-goi-vien-tro-bo-sung-cho-ukraine-post1063801.vov