Sau khi cuộc phản công thất bại, Ukraine đang nỗ lực xây dựng các tuyến phòng thủ với hy vọng có thể trụ vững trong một cuộc xung đột tiêu hao kéo dài. Nhưng chiến lược này của Kiev gặp không ít thách thức.
21 tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, các chiến thuật kiểu Thế chiến thứ nhất cùng với lợi thế công nghệ cao do máy bay không người lái và các phương tiện tiên tiến khác mang lại, tiếp tục chiếm ưu thế trên chiến trường.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa nhằm vào các vị trí của Nga trên tiền tuyến gần thành phố Bakhmut, vùng Donetsk, hôm 15/1. Ảnh: Reuters.
Nga và Ukraine đang rơi vào một cuộc chiến mùa Đông không kém phần khốc liệt so với năm 2022. Hiện, quân đội Nga đang giành thế chủ động trên phạm vi rộng lớn của chiến tuyến miền Đông và nhiều khả năng tiếp tục giữ được đà tiến trong thời gian tới. Trái lại, Ukraine đang đối mặt với căng thẳng chính trị nội bộ và mối lo ngại viện trợ quân sự của phương Tây cạn kiệt, trong bối cảnh cuộc phản công mà nước này phát động từ mùa Hè được cho là kết thúc với thất bại chiến lược. Đã có nhiều câu hỏi đặt ra về sự chuẩn bị của Ukraine trong một cuộc chiến lâu dài.
Trước đó hôm 24/11, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov tuyên bố thành lập một nhóm làm việc mới do ông và Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov đứng đầu, để “điều phối nỗ lực của tất cả các cơ quan chức năng và quân đội trong vấn đề xây dựng công sự”.
6 ngày sau, Tổng thống Zelensky đã có cuộc gặp Bộ trưởng Umerov và các quan chức ở tỉnh Zaporizhzhia để thảo luận về việc xây dựng công sự, tập trung vào những khu vực quan trọng nhất của tiền tuyến, cũng như biên giới giữa Ukraine với Belarus. Bộ Quốc phòng Ukraine cũng ra tuyên bố bằng văn bản, xác nhận kế hoạch xây dựng công sự trải dọc theo toàn bộ giới tuyến.
Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu chiến lược phòng thủ tiền tuyến của Ukraine có được thực hiện quá trễ khi Nga đã dành nhiều tháng để xây dựng các tuyến phòng thủ và nắm thế chủ động. Viktor Kivliuk – cựu đại tá Ukraine, đồng thời là chuyên gia tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng cho rằng: “Chúng tôi đang đóng quân dọc theo gần như toàn bộ chiến tuyến. Có những nơi chúng tôi đồn trú rất lâu, nhưng có những nơi chúng tôi chỉ ở chưa đầy 6 tháng”.
Nước cờ mạo hiểm của Ukraine
Sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố Avdiivka vào đầu tháng 10, Ukraine đã quyết định bước vào chiến dịch mùa đông với tư thế phòng thủ. Không chỉ tập trung vào điểm nóng Avdiivka, Nga cũng phát động cuộc tấn công mới ở các khu vực khác, chẳng hạn như Marinka và Bakhmut – nơi Moscow đã đạt được những bước tiến đáng kể đầu tiên sau nhiều tháng.
Mặc dù Ukraine chưa hề tuyên bố cuộc phản công chính thức kết thúc, nhưng giới chuyên gia cho rằng, những gì đang diễn ra trên thực địa là điều rất khó phủ nhận. Trả lời phỏng vấn BBC, cựu Tổng tham mưu trưởng Ukraine Viktor Muzhenko đã kêu gọi chính phủ nước này chuyển sang phòng thủ chiến lược, tái tập hợp và bảo toàn lực lượng, trong khi kìm hãm bước tiến của Nga. Còn cựu đại tá Kivliuk cho rằng: “Hiện tại, chúng tôi không thể tiến tới bất cứ đâu. Mọi thứ đang diễn ra ở quy mô nhỏ, rất khó để giành chiến thắng cũng như giành lại toàn bộ các vùng lãnh thổ đã mất. Vì thế, việc xây dựng các tuyến phòng thủ kiên cố là điều cực kỳ quan trọng”.
Hầu hết các lữ đoàn của Ukraine đều có những tiểu đoàn công binh riêng. Ngoài ra, nước này còn có hai lữ đoàn công binh chuyên trách và các đơn vị riêng biệt khác hoạt động dưới sự chỉ huy của Bộ tư lệnh các lực lượng hỗ trợ. Dù có nguồn lực này, các binh sỹ Ukraine chiến đấu trên tiền tuyến cho biết, họ vẫn thiếu những chiến hào dự phòng cơ bản nhất.
Một chỉ huy pháo binh của Ukraine cho biết: “Tất cả các cứ điểm cũng như phòng tuyến thứ hai đều không được chuẩn bị chu đáo. Khi đối phương xông vào chiến hào, chúng tôi không có nơi nào để rút lui. Binh sỹ buộc phải đào hào dưới hỏa lực của súng máy và các tay súng bắn tỉa, cũng như những đợt pháo kích”. Theo chỉ huy này, ngay cả khi mệnh lệnh đào hào được ban hành, nhiều đơn vị cũng không có khả năng thực hiện do thiếu nhân lực và thiết bị.
Bài học đau đớn
Theo giới phân tích, chiến dịch mùa hè và mùa thu năm 2023 của Ukraine – vốn được xác định bằng cuộc phản công lớn, đã không đạt kết quả như mong đợi.
Ukraine từng hy vọng sẽ giành lại ngôi làng Robotyne nằm ở vùng Zaporizhzhia, cách thị trấn tiền tuyến Orikhiv khoảng 10km về phía Nam trong vòng 4 ngày. Tuy vậy, các lực lượng nước này đã mất tới 80 ngày mới có thể kiểm soát được Robotyne và không thể tiến xa hơn về phía Nam, dù triển khai nhiều lữ đoàn thiện chiến do phương Tây huấn luyện và trang bị.
Theo Washington Post, thất bại này đã được nhắc đến trong cuộc trao đổi giữa các quan chức Mỹ và Ukraine. Ngoài những sai lầm mà Ukraine mắc phải trong việc lập kế hoạch và thực hiện cuộc phản công, giới phân tích cho rằng, mạng lưới tuyến phòng thủ rộng lớn của Nga ở miền Nam cũng là một trong những yếu tố khiến cuộc phản công của Kiev thất bại.
Sau khi nắm bắt được những tín hiệu cho thấy Ukraine chuẩn bị tiến hành cuộc phản công quy mô lớn, Nga đã bắt tay xây dựng các công sự kiên cố. Hình ảnh vệ tinh cho thấy, các hào chống tăng, hệ thống đường hầm và tuyến phòng thủ răng rồng bắt đầu mọc lên tại các khu vực do Moscow kiểm soát trong những tháng đầu tiên của năm 2023.
Nga đã sử dụng một lượng lớn nhân lực và vật lực để mở rộng phòng tuyến kiên cố của nước này, cho đến khi Ukraine bắt đầu cuộc phản công vào tháng 6/2023. Theo học thuyết quân sự của Liên Xô về “phòng thủ theo chiều sâu”, Nga đã xây dựng 2 phòng tuyến chính cách nhau từ 10 đến 15km ở phía sau giới tuyến và gia cố bằng những bãi mìn dày đặc rộng kéo dài nhiều km.
Chạy đua với thời gian để hành động
Dù bị chỉ trích là chậm trễ, nhưng quân đội Ukraine đã bắt tay xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố một cách có hệ thống với hy vọng có thể đối phó tốt hơn với cuộc tấn công của Nga. Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, việc thiết kế các công sự sẽ tuân theo học thuyết hiện có nhưng được sửa đổi để chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức mới của cuộc chiến này.
“Chúng tôi đã phê duyệt những thiết kế về nơi trú ẩn và các công trình chữa cháy trên tuyến phòng thủ. Ngoài ra, còn có những công trình đang được hiện đại hóa và cải tiến để bảo vệ tốt hơn trước việc Ukraine sử dụng đạn nhiệt áp, máy bay không người lái và bom chùm”, bộ này cho biết.
Tuy vậy, Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn khi thực hiện công việc này. Dù mùa đông chỉ mới bắt đầu, nhưng mặt đất bị đóng băng và rất cứng khiến các binh sỹ phải mất nhiều công sức cho việc đào hào, đặc biệt là những vị trí phải đào bằng tay.
Một chỉ huy của Ukraine gần Bakhmut cho biết: “Vào mùa đông, việc đào hào gần như không thể thực hiện được do mặt đất cứng, không thể dùng cuốc và máy kéo. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là đào thông qua tàn tích của các tòa nhà hoặc đào vào bên trong các hố đạn pháo”.
Nhưng thách thức lớn nhất chính là tổ chức công việc, với sự tham gia của quân đội, các cơ quan trong chính phủ cũng như phân bổ nguồn tài chính, một quan chức Ukraine lưu ý.
Theo Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp) – 19/12/2023
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nuoc-co-mao-hiem-cua-ukraine-khi-chuyen-tu-phan-cong-sang-phong-thu-post1066226.vov