Cập nhật: 02/02/2024 09:10:00
Xem cỡ chữ

Ngày 2/1 (tức ngày 23 tháng Chạp), theo phong tục tập quán của người Việt Nam là ngày các gia đình làm lễ tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, trình báo những công việc của gia chủ đã làm trong năm. Đây được xem là một nét văn hóa tâm linh đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam.

Cũng như bao gia đình khác, năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 23 tháng Chạp gia đình ông Phùng Gia Lợi, Phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên đều chuẩn bị mâm cỗ cúng tiễn ông Công ông Táo về trời, thể hiện lòng thành của gia đình với các vị thần cai quản nhà cửa, bếp núc. Cùng với cơm canh, mâm cúng ông Công ông Táo của gia đình ông Lợi luôn đầy đủ xôi chè và không thể thiếu cá chép.

Năm nay gia đình ông Bùi Văn Hảo tại xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường đã cung ứng ra thị trường gần 3 tấn cá chép đỏ phục vụ thị trường dịp cúng ông Công ông Táo. Ông Hảo cho biết, ngay từ đầu tháng Chạp, nhà ông đã tấp nập thương lái đến mua cá chép để bán lẻ ra thị trường. Với ông, nuôi cá chép không chỉ mang lại nguồn kinh tế cho gia đình, mà còn là nghề truyền thống của người dân nơi đây.

Năm nay, bên cạnh việc cúng cá vàng truyền thống, nhiều người bán đã sáng tạo ra những mô hình cá chép làm từ xôi để khách hàng có nhiều sự lựa chọn. Theo quan niệm của người Việt, ba vị Thần Táo hay còn được gọi vua Bếp là những vị thần cai quản khu vực bếp cho gia đình. Lễ cúng ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh. Tiễn ông Táo về chầu trời, chia tay mọi vất vả, muộn phiền của năm cũ, khiến cho tâm của mỗi người trở nên thanh thản, nhẹ nhõm, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp hơn.

Cúng ông Công ông Táo là một ngày lễ rất quan trọng trước Tết Nguyên đán, một phong tục, nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Sau khi tiễn ông Công, ông Táo về trời, các gia đình sẽ tiến hành dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa sẵn sàng tâm thế bước vào một mùa xuân mới bình an và hạnh phúc.

Thu Hoài