Đồng bào Thái Tây Bắc có kho tàng văn hóa phong phú đa dạng, với các phong tục tập quán, nghi lễ được gìn giữ và lưu truyền, trong đó có tục thờ cúng trong những ngày Tết. Bà con quan niệm cả năm lo việc làm ăn, Tết là dịp quan trọng nhất để con cháu tỏ lòng thành kính tri ân đến tổ tiên, ông bà.
Trong căn nhà sàn của đồng bào Thái, thường là 5 gian hoặc 7 gian, gian cuối của căn nhà cạnh buồng ngủ của gia chủ được chọn là nơi đặt bàn thờ tổ tiên (người Thái gọi là Cọ lọ hóng), nơi này chỉ có đàn ông mới được vào. Cọ lọ có nghĩa là một góc của ngôi nhà. Trong cọ lọ hóng thường đặt 1 chai nước trắng, 2 chén để rót nước, chai nước này thường được thay trong những ngày cúng cơm của gia đình (10 ngày cúng 1 lần) theo lịch của đồng bào Thái. Ngoài chai nước còn có sổ ghi chép (sổ phi hươn) là sổ ghi tên những người đã khuất trong dòng họ.
Đến Tết, gia chủ mang tất cả đi lau, rửa sạch sẽ chuẩn bị cho việc thờ cúng tổ tiên. Đồ thờ cúng ngày Tết của đồng bào Thái thường là những sản vật của gia đình làm ra như quả chuối, 2 cây mía, hoa quả trong vườn, trầu cau, kẹo, bánh và ngày Tết không thể thiếu bánh chưng gù, bánh chưng tròn… Theo tục lệ của đồng bào Thái không chỉ thờ 3 ngày Tết, có thể kéo dài đến 10 ngày, đến ngày cúng cơm gia chủ làm bữa cơm cúng rồi mới dọn bàn thờ.
Nơi thờ cúng trong gia đình đồng bào Thái
Nói về ý nghĩa của tục thờ cúng tổ tiên, ông Lò Văn Lả - người am hiểu về văn Thái cho biết: “Theo tục lệ người Thái hằng năm thờ cúng tổ tiên, thứ nhất là để tạ ơn tổ tiên trong năm qua đã phù hộ cho mình làm ăn khấm khá phát tài đi lên. Thứ 2 là sang năm mới cầu mong cho tổ tiên phù hộ cho con cháu làm ăn mạnh khoẻ”.
Bàn thờ trong nhà đồng bào Thái chỉ được thờ tổ tiên của gia đình bên chồng, còn tổ tiên gia đình bên vợ sẽ dựng một cái lán nhỏ dưới nhà quay về hướng mặt trời lặn (gọi là hươn nghe). Hươn nghe để thờ cúng bố mẹ vợ đã khuất, tưởng nhớ đến công lao của họ đã nuôi con gái khôn lớn trưởng thành. Đến Tết bà con mới sắp đồ như hoa quả, kẹo bánh, trầu cau, bánh chưng, hương hoa mỗi thứ một ít để thờ cúng tổ tiên bên ngoại. Nhưng cũng có gia đình làm hươn nghe để thờ cúng bố mẹ nuôi hoặc làm con nuôi nhà khác thì thờ bố mẹ đẻ.
Bà Vàng Thị Ngoạn ở thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu chia sẻ: "Đây là việc làm để nhớ ơn công lao sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ đối với mình khi họ đã khuất núi về với tổ tiên. Có cuộc sống tốt đẹp càng biết ơn đến đấng sinh thành".
Ngoài thờ cúng tổ tiên trong nhà, thờ cúng tổ tiên bên ngoại, đồng bào Thái còn thờ cúng chảu nặm, chảu đin, có nghĩa là thờ cúng thổ công, thổ địa và các linh hồn vãng lai không ai thờ cúng. Chỗ thờ này được đặt ngoài sàn. Bà con thường đặt 2 cái bánh chưng, 2 chén nước, một ít kẹo bánh, hoa quả cho có đủ hương vị của ngày Tết.
Theo ông Lường Tưởng Hoa ở bản Huổi Sang, xã Chiềng Nơi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La, người Thái quan niệm con người sống luôn biết ơn đến muôn loài vạn vật, đặc biệt là nguồn nước, đất nơi mình sinh sống. Nhờ có các thần linh, sông núi mình mới ăn nên, làm ra, mùa màng bội thu. "Thờ thổ công, thổ địa để phù hộ cho bà con dân bản luôn mạnh khoẻ, tăng gia sản xuất được như mong muốn và cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu".
Cha ông của đồng bào Thái Câu có lời răn dạy từ xa xưa là“ Kin khảu nha lưm na, kin pà nha lưm nặm… Đảy kin nha lưm thú, đảy dú như lưm công cánh ơn”, có nghĩa là "ăn cơm đừng quên ruộng, ăn cá đừng quên nước, được ăn đừng quên đũa, có cuộc sống tốt đừng quên người có công". Đến nay câu răn dạy đó luôn nhắc nhớ các thế hệ đồng bào Thái nhớ đến cội nguồn, biết ơn những người đã có công dưỡng dục, sinh thành và muôn loài vạn vật tạo nên cuộc sống ngày hôm nay. Và tục thời cúng tổ tiên, đặc biệt là thờ cúng tổ tiên trong những ngày Tết đến xuân về vì thế càng thêm ý nghĩa.
Theo Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc - 08/02/2024
https://vov.vn/van-hoa/di-san/tuc-tho-cung-ngay-tet-cua-dong-bao-thai-mang-nhieu-y-nghia-post1076353.vov