Cập nhật: 11/02/2024 09:46:00
Xem cỡ chữ

"Mỗi năm hoa đào nở, Lại thấy ông đồ già, Bày mực tàu giấy đỏ, Bên phố đông người qua".

Câu thơ trong bài thơ "Ông Đồ" của nhà thơ Vũ Đình Liên đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ người Việt Nam về một hình ảnh đẹp - hình ảnh thầy Đồ cho chữ mỗi độ Tết đến Xuân về. Và từ xa xưa, chữ viết luôn được người dân Việt coi trọng và gìn giữ. Ngày đầu Xuân năm mới, đối với người Việt - là ngày khởi đầu tốt đẹp với mong muốn một năm mới vạn sự như ý, chính vì thế, ai ai cũng mong muốn bản thân, gia đình có được những điều tốt đẹp, khởi sắc hơn thông qua việc xin chữ đầu năm.

Bên cạnh tục lì xì, tục xông đất hay tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ vào những ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán truyền thống. Thói quen xin chữ gắn liền với cho chữ. Không chỉ mang lại nhiều ý nghĩa văn hóa, xin chữ còn thể hiện những bài học giáo dục sâu sắc đằng sau.

Xin chữ, cho chữ đầu năm là một phong tục đẹp của người Việt từ xưa, thể hiện tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo, sự trân quý giá trị của chữ nghĩa. Cứ mỗi độ, Tết đến, Xuân về hình ảnh “bày mực tàu giấy đỏ” lại hiện diện trong không gian Văn Miếu Quốc Tử Giám hay trong những ngôi đình, ngôi chùa. Hình ảnh đó đã trở thành biểu tượng của ngày Tết, của sự may mắn trong ngày đầu năm mới.

Tết đã về - một năm mới lại đến. Người người đi xin chữ cầu may, mong cho một năm mới an nhiên, hạnh phúc và đủ đầy.

Thu Thủy