Theo quan niệm truyền thống của nhiều gia đình, chiếc bánh Tét được bọc bằng nhiều lớp lá chuối bên ngoài mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn tụ.
Không khí sum vầy của ngày Tết trong dịp gói bánh tét. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)
Từ lâu, gói bánh tét vào dịp Tết đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người dân Hậu Giang. Đây không chỉ là món ăn đậm phong vị Tết Cổ truyền mà còn lưu giữ nét đẹp đoàn viên được trao truyền qua nhiều thế hệ.
Tạm gác lại những bộn bề lo toan của cuộc sống, những ngày Tết cổ truyền, bên góc bếp gia đình bà Bùi Thị Thao, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang lại rôm rả tiếng nói cười. Không khí xôm tụ gói bánh tét trở thành thông lệ được gìn giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ của gia đình.
Theo lời kể của bà Thao, năm 16 tuổi, bà đã học được cách gói bánh tét từ mẹ của mình. Kể từ đó, mỗi dịp Tết đến, gia đình duy trì không khí quây quần để làm món ăn truyền thống này.
Năm nào con cháu về sớm, bà Thao chuẩn bị gói bánh vào chiều 30 Tết để ban đêm nấu bánh đón Giao thừa. Có năm các con bận việc về trễ, bà Thao vẫn bày biện gói vào Mùng 2 hay Mùng 3 Tết.
Bà Bùi Thị Thao tâm sự: "Ở gia đình tôi, gói bánh tét ngày Tết là thông lệ “mẹ truyền con nối.” Mấy đứa con tôi đều biết gói bánh tét; con dâu, con rể cũng được truyền dạy kinh nghiệm. Khi đã thạo việc, tôi bộc bạch trọn tình với con rằng: “Mẹ chỉ mong sau này, dù bận rộn đến đâu, ngày Tết các con phải tụ họp lại, giữ truyền thống sum vầy của gia đình mình.”
Việc bày biện gói bánh như một dịp để kết nối các con gần nhau, quây quần trong những ngày Xuân đoàn viên. Rồi sau Tết, các con trở về phố thị với công việc của mình. Lúc rời nhà, mỗi đứa mang theo vài đòn bánh như món quà đậm vị tình thân ở quê nhà."
Với nhiều người, gói bánh tét không chỉ là một nghề để kiếm thêm thu nhập, mà còn là một cách gửi gấm thông điệp cho thế hệ sau lưu giữ truyền thống Tết đoàn viên.
Bánh sau khi gói, chuẩn bị cho vào nồi nấu. (Ảnh: Nguyễn Hằng/TTXVN)
Ngoài 60 tuổi, bà Nguyễn Thị Hường, ở xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang vẫn rất nhanh nhẹn trong từng công đoạn, từ nêm nếm gia vị cho đến chọn nếp, làm nhân, cột dây bánh. Tâm huyết với món ăn truyền thống được bà gửi trọn trong từng đòn bánh thơm lừng...
“Tuổi cao, tôi đã sớm truyền lại kinh nghiệm làm bánh cho cho 6 người con của mình. Giờ đây, mỗi đứa ở một nơi, ngày Tết vẫn tranh thủ tề tựu về bên ngôi nhà nhỏ, có đứa làm việc ở nước ngoài không về được. Đón Tết nơi xa, các con thường xuyên gọi điện thoại về nhắc nhớ món bánh quê ngày Tết. Nghe con nói 'Mẹ gói như vậy rất vui, nhìn thấy xôm tụ, ngày gói bánh đông vui như vậy mới là những ngày Tết đoàn viên' mà tôi thấy ấm lòng. Nghề gói bánh tét này tôi được bà và mẹ truyền trao, rồi tôi dạy lại cho các con. Sau này, mấy đứa cháu nhỏ cũng biết gói bánh, cột dây. Ông bà mình thường nói 'có xưa mới có nay,' tôi mong cho con mình dù làm gì, ở đâu cũng phải nhớ và gìn giữ truyền thống tốt đẹp của gia đình,” bà Nguyễn Thị Hường hy vọng.
Đôi bàn tay khéo léo gói từng đòn bánh nhanh thoăn thoắt, chị Nguyễn Thị Ngọc Thêm (con dâu của bà Nguyễn Thị Hường) cho biết: "Nguyên liệu chính để gói bánh tét là nếp và thịt mỡ, đậu xanh, đậu trắng, chuối chín... Để bánh được ngon, nếp phải dẻo, đậu phải mềm. Làm bánh Tét nhân chuối phải chọn chuối xiêm chín mùi, bánh mới ngon. Từ hồi về làm dâu, mẹ chồng truyền cho tôi kinh nghiệm gói bánh tét. Cứ gần Tết là mình thấy nôn nao. Chị em ở xa tề tựu về nhà, mỗi người mỗi việc; người lau lá chuối, người đảm nhiệm công đoạn xào nếp, làm nhân bánh, các anh thanh niên cũng thạo việc cột dây bánh, xách nước, gom củi khô về nấu bánh... Được mẹ tin tưởng trao truyền kinh nghiệm, tôi sẽ tiếp nối và gìn giữ giữ phong tục của gia đình mỗi dịp Tết cổ truyền."
Ngày nay, phong tục gói bánh Tét ngày Tết ở Hậu Giang vẫn được nhiều gia đình phát huy, lưu giữ. Theo quan niệm truyền thống của nhiều gia đình, chiếc bánh được bọc bằng nhiều lớp lá chuối bên ngoài mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sum vầy, đoàn tụ. Phần nhân đậu màu vàng biểu trưng cho hình ảnh của cánh đồng lúa chín, thể hiện niềm mong ước “an cư lạc nghiệp” và ước vọng một mùa Xuân an bình đến mọi nhà.
Bên mâm cơm ngày Tết cùng các cháu, cụ ông Nguyễn Văn Nhung (96 tuổi, ở thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) chia sẻ: Ngày nay, nhịp sống hiện đại tuy có bận rộn hơn, sung túc hơn, nhưng truyền thống gói bánh tét ngày Tết rất cần được trao truyền để mai sau, nhiều thế hệ sẽ tiếp tục lưu giữ nét đẹp văn hóa này vào những ngày Tết đoàn viên, sum vầy.
Bên nồi bánh tét rực lửa, không khí Xuân đoàn viên lan tỏa ấm áp làm cho bao nhiêu mệt nhọc, lo toan của cuộc sống tan biến. Mọi người sống trong tình cảm yêu thương chan chứa của gia đình, làng xóm. Việc giữ gìn tục gói bánh tét ngày Tết cũng là giữ gìn những “tinh túy” của những ngày Tết và trở thành một phần ký ức không thể thiếu của mỗi người./.
Theo (TTXVN/Vietnam+) – 12/2/2024
https://www.vietnamplus.vn/luu-giu-truyen-thong-sum-vay-ben-mon-banh-que-ngay-tet-post927586.vnp