Nghi lễ thả cá chép, dựng cây nêu trong hoàng cung xưa được tái hiện tại Hoàng thành Thăng Long, đặc biệt là nghi lễ đổi gác tại cấm thành Thăng Long xưa lần đầu tiên được nghiên cứu phỏng dựng.
Các nghi lễ này cùng với một số nghi lễ khác đã được Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện, phỏng dựng ngày 22-1, trong khuôn khổ chương trình Tống cựu nghinh tân (tiễn năm cũ đón năm mới).
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cùng các đại biểu ban ngành, UNESCO và nhân dân, du khách tham dự trực tiếp vào các nghi lễ.
Tái dựng nghi lễ thả cá chép
Sau nghi lễ tiến lịch dưới hình thức sân khấu hóa tại Điện Kính Thiên, bà Vũ Thu Hà cùng Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang đã thực hiện nghi lễ thả cá chép ngày 23 tháng chạp tại hồ ở di tích 18 Hoàng Diệu.
Sau đó đoàn nghi lễ trở về trước Đoan Môn của Hoàng thành Thăng Long để tham gia dựng cây nêu.
Đoàn lễ đến hồ bên di tích 18 Hoàng Diệu làm nghi lễ thả cá chép - Ảnh: BTC
Việc dựng cây nêu mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, bảo vệ gia đình khỏi những điều xấu xa và cầu mong một năm mới bình an, may mắn.
Cây nêu được dựng vào ngày 23 tháng chạp, sau lễ tiễn ông Táo về trời, và hạ xuống vào mùng 7 tháng giêng, kết thúc kỳ nghỉ Tết.
Phong tục dựng cây nêu không chỉ phổ biến trong cộng đồng người Kinh và trong dân gian, mà còn được duy trì trong kinh thành Thăng Long cũng như xuất hiện ở nhiều dân tộc thiểu số khác tại Việt Nam
Đại biểu dâng hương chuẩn bị dựng cây nêu - Ảnh: T.ĐIỂU
Nhiều năm nay, vào ngày 23 tháng chạp tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội đã tái hiện phong tục dựng nêu và hạ nêu, nhằm lưu giữ một trong những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Lần đầu phỏng dựng lễ đổi gác trong cấm thành Thăng Long
Đặc biệt, lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phỏng dựng lễ đổi gác trong kinh thành xưa.
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, việc canh gác và bảo vệ cung thành được các triều đại phong kiến tổ chức vô cùng nghiêm ngặt, đổi gác là một nghi thức quan trọng diễn ra hằng ngày trong cấm thành Thăng Long và triều đại nhà Lê cũng không ngoại lệ.
Ra vào cung phải có sắc chỉ của vua mới được ra vào cửa cấm. Nếu có lệnh truyền triệu viên quan nào, ban ngày thì dùng bài ngà, cờ lệnh, ban đêm dùng hổ phù, cờ lệnh, lúc ấy quân hộ vệ mới được mở cửa thành.
Để đảm bảo nhiệm vụ canh giữ, luật quy định binh lính phải đến đúng giờ, đúng quân số và chuẩn bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ.
Sau một thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin và tài liệu lịch sử còn lưu lại, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện nghi thức đổi gác "mang tính phỏng dựng và có yếu tố sáng tạo".
Nghi lễ được tái dựng trang trọng, có phần sân khấu hóa. Người dân và du khách quốc tế xem nghi lễ với sự háo hức.
Ông Jonathan Baker - trưởng đại diện của UNESCO tại Việt Nam - cho biết ông rất vinh dự được tham dự buổi lễ độc đáo này.
Ông nói lễ Tống cựu nghinh tân thực sự là một nét đẹp văn hóa truyền thống độc đáo của người Việt, bởi lễ hội là khởi đầu một mùa Lễ hội Tết Nguyên đán, giúp thắt chặt hơn sự gắn kết với tổ tiên và nhắc chúng ta về những phong tục truyền thống chào năm mới.
Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà thực hiện nghi lễ gắn khánh vào cây nêu - Ảnh: T.ĐIỂU
Cây nêu được dựng trước Đoan Môn Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: T.ĐIỂ
Màn trống hội khi thực hiện nghi lễ đổi gác - Ảnh: T.ĐIỂU
Nghi lễ đổi gác được phỏng dựng và sáng tạo thêm - Ảnh: T.ĐIỂU
Theo tuoitre.vn
https://tuoitre.vn/tai-hien-doi-gac-dung-cay-neu-tha-ca-chep-o-kinh-thanh-thang-long-xua-20250122173238553.htm