Văn hóa hình thành cùng với sự hình thành và phát triển của con người, trong từng thời kỳ, mỗi khu vực, vùng, miền có những đặc trưng văn hóa khác nhau và sự phát triển của mỗi nền văn hóa đều kế thừa những giá trị truyền thống và sự giao thoa văn hóa của những nơi khác. Quá trình hội nhập cho thấy được sức hấp dẫn, vai trò của văn hóa và chính những giá trị văn hóa là cầu nối quan trọng để Vĩnh Phúc hội nhập với các địa phương, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với bạn bè trong và ngoài nước.
Văn hóa thể hiện đặc trưng nhất vào mùa Xuân, khi các lễ hội được diễn ra ở khắp các địa phương, mỗi địa phương một nét rất riêng, tạo nên sức thu hút khiến nhiều người dân từ khắp nơi đến với Vĩnh Phúc. Phải kể đến nét văn hóa nổi bật là hát Chầu văn, đây là một trong những loại hình nghệ thuật cổ truyền hiện còn được thực hành tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Loại hình nghệ thuật này được các cấp, ngành và Nhân dân trong tỉnh tích cực bảo tồn, phát huy, góp phần làm sống dậy những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc và thu hút rất nhiều du khách thập phương đến với Vĩnh Phúc, nhất là từ khi loại hình nghệ thuật hát chầu văn trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì chầu văn được quan tâm và tích cực bảo tồn, phát triển dưới nhiều hình thức.
Tổ chức lễ hội cũng là cách để giới thiệu, quảng bá tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế về nét độc đáo của các loại hình văn hóa, nghệ thuật ở Vĩnh Phúc. Đó cũng là cách mà người dân Vĩnh Phúc lưu truyền, gìn giữ văn hóa cho các thế hệ sau.
Thùy Linh