Cập nhật: 15/04/2024 07:44:00
Xem cỡ chữ

Là nguồn năng lượng sạch, không gây ra khí thải nhà kính hay ô nhiễm môi trường, điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp không những giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trên thị trường quốc tế.

Hệ thống ĐMTMN của một DN ngành dệt may ở Đồng Nai. (Ảnh: Vuphong.vn).

Vướng mắc ra sao?

Tại Diễn đàn: “Điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong khu công nghiệp (KCN): Nhu cầu và giải pháp cho doanh nghiệp (DN)” diễn ra mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, tại Quy hoạch điện (QHĐ) VIII, Chính phủ khuyến khích phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) nhằm giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng từ hóa thạch. Đối với ĐMTMN, QHĐ VIII đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng ĐMTMN tự sản, tự tiêu.

“Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh (SXKD), việc cung ứng điện cho DN sẽ luôn gặp khó khăn nếu Việt Nam không tận dụng các nguồn năng lượng khác, đặc biệt là NLTT. Trong đó, sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống ĐMTMN đang là một lựa chọn không thể thiếu đối với DN” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo VCCI, hiện Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, đây cũng chính là cơ sở đưa Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị, cung ứng toàn cầu. Tại châu Âu và một số quốc gia khác, sản phẩm, hàng hóa khi nhập khẩu vào các thị trường này nếu muốn được hưởng cơ chế ưu đãi buộc phải có chứng chỉ xanh. Các DN Việt Nam muốn tham gia vào sân chơi toàn cầu để được hưởng ưu đãi ngoài các điều kiện cơ bản như quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng thì tiêu chuẩn về xanh hóa cũng buộc DN phải đáp ứng.

“Như vậy có thể nói, việc sử dụng ĐMTMN không chỉ giúp DN chủ động SXKD, tiết giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh mà còn là điều kiện không thể thiếu trong quá trình hội nhập quốc tế” - ông Phòng nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn, bà Nguyễn Như Thanh Thư - Trưởng bộ phận NLTT KCN Deep C thông tin, Quyết định 13/2020/QĐ-TTg và Thông tư 18/2020/TT-BCT đều cho phép các đơn vị đầu tư lắp đặt ĐMTMN, Hợp đồng và giá mua bán do bên mua và bên bán tự thỏa thuận. Tuy nhiên, quy mô ĐMTMN bị giới hạn trong phạm vi 1MW hoặc 1.25MWp, vì vậy không phát huy được hết tiềm năng mái hoặc phải phân tách quy mô đầu tư, dẫn đến phát sinh thủ tục hành chính và chi phí đầu tư.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may có khoảng trên 1.200 DN với 610.000 lao động nằm trong KCN. Hiện tại, khoảng 30 - 50% DN tùy theo vùng, miền đã lắp đặt ĐMTMN. Tuy nhiên, còn một số khó khăn như điều kiện thời tiết, cơ chế về ĐMTMN cho DN, KCN chưa rõ ràng, DN lúng túng vì chưa được đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh. “Nếu với cơ chế hiện nay DN muốn cũng không làm được. Khoảng trống pháp lý sau Quyết định 13/QĐ-TTg về giá điện cũng đang gây khó cho DN” - ông Cẩm chia sẻ.

Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách

Theo đại diện VITAS, hiện vẫn chưa có khung pháp lý cho phát triển và điều tiết ĐMTMN. Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện QHĐ VIII mới chỉ tập trung phát triển nguồn điện gió, năng lượng mới. ĐMTMN đến năm 2030 chỉ theo hình thức tự sản, tự tiêu…

Ông Nguyễn Vũ Chiên, Phó Trưởng Ban Quản lý KCN tỉnh Nam Định thông tin, hiện Nam Định có 6 KCN, trong đó một số nhà máy nhỏ đã đáp ứng được các yêu cầu về xuất khẩu xanh và sử dụng ĐMTMN. Tuy nhiên, nhiều nhà máy khác có nhu cầu kết nối và ký hợp đồng sử dụng ĐMTMN nhưng gặp nhiều khó khăn. Đó là việc các công ty điện lực khu vực tạm dừng việc thỏa thuận kết nối ĐMTMN vào mạng lưới điện quốc gia và chi phí đầu tư ĐMTMN.

“Để đầu tư sản xuất 1MW điện cần khoảng 13 tỷ VNĐ, điều này khiến cho các DN lo ngại về việc thu hồi vốn, trong khi ĐMTMN không được kết nối với mạng lưới điện quốc gia. Ngoài ra, mùa nóng ở Nam Định nói riêng và miền Bắc nói chung chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, với ánh sáng mặt trời không đủ mạnh như miền Trung, miền Nam, dẫn đến lượng năng lượng tiêu thụ không đáng kể, làm giảm lợi nhuận so với chi phí đầu tư ban đầu…” - ông Chiên chia sẻ.

Tại cuộc họp với Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, có 3 chính sách khuyến khích chủ yếu đối với ĐMTMN là: Cho phép lắp đặt không cần theo QHĐ VIII; Các nguồn ĐMTMN được liên kết và phát công suất dư thừa lên lưới điện quốc gia với mức giá theo thời điểm; Hỗ trợ lãi suất khi đầu tư thiết bị lưu trữ điện.

Thực tế, các DN trong KCN đang rất cần khuyến khích về thủ tục, chính sách về ĐMTMN.

Tại Diễn đàn, các DN mong muốn Chính phủ sớm ban hành cơ chế khuyến khích mô hình này nhằm thúc đẩy, phát triển nguồn năng lượng xanh trong các KCN, khu chế xuất. Đồng thời, đề xuất các Bộ, ban, ngành sớm hoàn thiện bộ khung pháp lý hoàn chỉnh về các thủ tục liên quan như: thủ tục về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy nhằm thu hút nguồn lực đầu tư, khuyến khích DN mạnh dạn, chủ động chuyển dịch năng lượng, sử dụng NLTT trong sản xuất.

Ngoài ra, nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong đầu tư lắp đặt, DN đề xuất các Bộ, ngành liên quan sớm xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng cho các bộ phận cấu thành nên hệ thống ĐMTMN gồm tấm pin, inverter, ắc quy, bộ chống phát ngược zero export...; tiêu chí kỹ thuật để nghiệm thu nguồn phát đúng quy trình, giúp thuận lợi trong quá trình kiểm tra, nghiệm thu đưa hệ thống ĐMTMN vào vận hành hoạt động ổn định. Đồng thời, các tỉnh, thành cũng cần phân bổ phòng ban kiểm soát một cách chặt chẽ về sản lượng lắp đặt ĐMTMN tại các KCN, khu chế xuất ở địa phương.

Theo baophapluat.vn - 15/04/2024

https://baophapluat.vn/phat-trien-dien-mat-troi-mai-nha-trong-khu-cong-nghiep-gap-kho-post509714.html