Cập nhật: 16/04/2024 09:00:00
Xem cỡ chữ

Việt Nam có thể lọt vào nhóm 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á, nếu đạt mức tăng trưởng 6% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025 theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Đây là khẳng định của ông Shantanu Chakrabuty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, khi chia sẻ với PV VOV về triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

PV: Đầu năm nay, ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6%, và trong báo cáo mới nhất vừa công bố, con số này vẫn được giữ nguyên. Vậy ông nhận định như thế nào về con số này?

Ông Shantanu Chakrabuty: Tôi nghĩ dự báo tăng trưởng của ADB vẫn giữ nguyên bởi xung đột địa chính trị vẫn không có gì thay đổi, và thậm chí là đang căng thẳng hơn. Chúng ta cũng tiếp tục thấy sự suy giảm kinh tế ở một số nước là đối tác thương mại chủ chốt của Việt Nam. Ngoài ra, chúng ta vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn về việc khi nào thì một số nền kinh tế lớn bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ đề thúc đẩy tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu của Việt Nam, trong bối cảnh Việt Nam đang là một nước xuất siêu. Do đó, chưa thể chắc chắn được khi nào xuất khẩu của Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi.

viet nam co the lot vao nhom 5 nen kinh te phat trien nhanh nhat chau A hinh anh 1

Nhiều tín hiệu tích cực cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam (Ảnh minh họa: KT)

Cùng lúc đó, chúng ta cũng bắt đầu thấy một vài dấu hiệu khởi sắc đầu tiên. Chỉ số PMI là chỉ số để đo lường hoạt động trong ngành sản xuất và dịch vụ đã tăng lên, mang lại chút hy vọng lạc quan, nhất là so với năm ngoái, khi chỉ số này duy trì ở mức tương đối thấp trong gần như cả năm. Một vài chỉ số khác cũng bắt đầu có tín hiệu phục hồi. Ngoài ra, chúng ta cũng thấy lĩnh vực sản xuất bắt đầu tăng trở lại. Nông nghiệp là một trong những lĩnh vực duy trì được sự ổn định.

PV: Việc ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng như vậy liệu có phải là dựa trên những tín hiệu tích cực của nền kinh tế không, thưa ông?

Ông Shantanu Chakrabuty: Việc con số dự báo này không thay đổi, đặt trong bối cảnh hiện tại, là một dấu hiệu tích cực, bởi thế giới vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Đa phần các nền kinh tế vẫn đang phải ứng phó với rất nhiều thách thức. Xung đột chính trị đang gây ra rất nhiều sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến sự bất ổn và khó đoán định của thị trường. Do đó, nếu đạt được mức tăng trưởng 6% trong năm 2024 và 6.2% trong năm 2025 như dự báo, thì Việt Nam sẽ nằm trong top 5 nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại châu Á, cùng với Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh. Đây là điều rất đáng hoan nghênh. Và tôi nghĩ rằng, Việt Nam đang làm rất tốt trong việc phục hồi và phát triển kinh tế. Nhưng cần nói rằng các bạn vẫn còn rất nhiều tiềm năng. Đối với một đất nước đã có sự tăng trưởng thần tốc trong suốt nhiều thập kỷ qua như Việt Nam, các bạn chắc chắn còn có thể làm được nhiều hơn nữa.

PV: Thời gian này có rất nhiều quốc gia trong khu vực đang nỗ lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, vậy theo ông điều này có ảnh hưởng thế nào tới đầu tư vào Việt Nam, cũng như quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam, thưa ông?

Ông Shantanu Chakrabuty: Chắc chắn Việt Nam vẫn sẽ là điểm đến thu hút lượng lớn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI.Việt Nam vẫn có rất nhiều lợi thế, về cả vị trí địa lý, về cả nhân khẩu học, và kỹ năng của lực lượng lao động. Đây là những lợi thế cạnh tranh cốt lõi mà Việt Nam có được. Nhưng cũng cần cẩn trọng không để những lợi thế này bị mai một dần. Vẫn còn những quốc gia khác trong khu vực cũng đang rất nỗ lực thu hút đầu tư nước ngoài. Và Việt Nam cần phải đẩy nhanh tốc độ, đi trước để đảm bảo những lợi thế cạnh tranh này.

Một cách để làm điều này chính là tạo ra giá trị gia tăng. Hiện nay, có thể nói nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chưa đạt giá trị gia tăng cao. Các bạn có thể chuyển hướng tới các lĩnh vực mới nổi như bán dẫn, các ngành điện tử cao cấp. Tôi được biết, hiện Chính phủ Việt Nam cũng đang chú trọng tới những ngành này. Ngoài ra, cần đầu tư vào hệ thống cơ sở vật chất. Hiện nay, lượng FDI đổ vào Việt Nam vẫn còn rất lớn, nhưng rồi khi cơ sở vật chất không đủ đáp ứng, đầu tư sẽ giảm dần, khiến Việt Nam không còn là thị trường hấp dẫn nữa. Tóm lại, các bạn nên đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng cốt lõi, logistic, năng lượng. Dù mất nhiều thời gian nhưng đây là cách tốt nhất để duy trì nguồn đầu tư FDI ổn định vào Việt Nam. Một số quốc gia khác đã đang làm như vậy rồi, và đây cũng là lúc Việt Nam bắt đầu làm điều này.

PV: Vậy theo ông, Việt Nam có thể làm gì và chú trọng vào những yếu tố nào để đạt được mức tăng trưởng như ADB dự báo?

Ông Shantanu Chakrabuty: Tăng đầu tư công, tăng tính rõ ràng, minh bạch trong các chính sách, và cuối cùng là đầu tư nhiều hơn cho an sinh xã hội, việc làm, nâng cao kỹ năng cho người lao động. Đây sẽ là những yếu tố chính mà Việt Nam cần tập trung thực hiện trong năm 2024-2025. Về đầu tư công, Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu rất tham vọng là giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% và tôi rất hoan nghênh nỗ lực này. Tuy mục tiêu này tham vọng nhưng cũng là điều cần thiết. Hiện chúng ta không có nhiều không gian cho các chính sách tiền tệ phát huy tác dụng, bởi lãi suất đang ở mức khá thấp.

Bên cạnh đó, cần đầu tư nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng. Đừng quên rằng các hạ tầng đang được xây dựng sẽ chỉ bắt đầu đi vào sử dụng trong khoảng 3-4 năm tới. Đây đều là những dự án dài hơi, cần nhiều năm triển khai. Việt Nam cũng là nước chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Vì vậy, các bạn cần hệ thống cơ sở hạ tầng bền vững và có khả năng chống chịu trước những hiện tượng thời tiết cực đoan. Khi quốc gia đang đi trên con đường chuyển đổi xanh, điều quan trọng là cần chuẩn bị sẵn sàng cho rất nhiều nhu cầu mới xuất hiện, ngành công nghiệp xây dựng và khai khoáng cũng sẽ thay đổi.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo Anh Thư/VOV1 – 16/4/2024

https://vov.vn/kinh-te/viet-nam-co-the-lot-vao-nhom-5-nen-kinh-te-phat-trien-nhanh-nhat-chau-a-post1089302.vov