Sáng 23/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn phản biện dự thảo Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2).
Quang cảnh hội thảo.
Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2013, và được chỉnh lần đầu tiên vào năm 2019. Tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, định hướng phát triển đô thị của tỉnh Vĩnh Phúc đã được điều chỉnh thay đổi so với Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Do đó, việc điều chỉnh Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2) là cần thiết để phù hợp với Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc.
Dự thảo Chương trình tổng thể xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (điều chỉnh lần 2) đã đưa ra định hướng phát triển đô thị tỉnh Vĩnh Phúc với mục tiêu phát triển hệ thống đô thị phù hợp với định hướng chung về phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Phúc có tỉ lệ đô thị hóa đạt trên 65%; hệ thống đô thị Vĩnh Phúc gồm 26 đô thị, gồm 2 đô thị loại II, 5 đô thị loại IV và 19 đô thị loại V. Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc là thành phố phát triển toàn diện trên tất cả các mặt về kinh tế, xã hội, môi trường và lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm. Phấn đấu phát triển Vĩnh Phúc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Các ý kiến đóng góp của đại biểu vào Dự thảo Chương trình là căn cứ để các nhà hoạch định, các sở, ngành, đơn vị tư vấn hoàn thiện và cụ thể hoá được các đồ án quy hoạch đã được phê duyệt; làm cơ sở để chỉ đạo công tác đầu tư xây dựng, thu hút đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII nhiệm kỳ 2021-2025.
Hà Giang