Vấn đề đuối nước đã được cảnh báo, ngành Giáo dục và Đào tạo đã đưa nội dung phòng, chống đuối nước vào các tiết học trong nhà trường. Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, tình trạng đuối nước ở trẻ em vẫn liên tiếp xảy ra. Từ thực tế trên cho thấy chỉ biết lý thiết về phòng, chống đuối nước thôi là chưa đủ, mà cần phải có kỹ năng từ thực hành mới có thể hạn chế được đuối nước.
Không biết bơi hay chỉ biết bơi một chút là tình trạng chung của hầu hết các em học sinh. Thực tế cho thấy, hiện nay, số lượng học sinh có kiến thức về bơi lội hay phòng chống đuối nước vẫn còn khá ít. Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có rất nhiều ao, hồ, sông, suối cũng như các công trình đã, đang thi công xây dựng, tiềm tàng nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2000 trẻ em tử vong do đuối nước. Riêng Vĩnh Phúc, trong năm 2023 xảy ra 13 trường hợp đuối nước, tính đến tháng 5/2024, Vĩnh Phúc đã ghi nhận 4 vụ đuối nước với 6 người tử vong. Trong ngày 19/5 vừa qua, hai em học sinh lớp 9 ở Yên Lạc đã không may qua đời cũng bởi lý do tương tự.
Trong những năm gần đây, các cấp chính quyền địa phương kết hợp cùng các cơ sở giáo dục đã quan tâm tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau để ngăn chặn, phòng chống đuối nước. Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan cũng như việc giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ còn mang nặng hình thức, chưa thực tế nên tai nạn đuối nước vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, việc biết bơi là chưa đủ để không bị đuối nước mà còn cần có kỹ năng làm sao để có thể ứng phó khi rơi vào tình trạng đuối nước hay cứu người đang bị đuối nước.
Ngoài trang bị cho con những kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước thì cha mẹ cũng cần phải luôn sát sao, tuyệt đối không lơ là khi con tham gia các hoạt động ở môi trường nước để trẻ vừa có một kỳ nghỉ hè ý nghĩa lại vừa đảm bảo an toàn.
Mai Phương