Cập nhật: 25/06/2024 09:14:00
Xem cỡ chữ

Phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình không phải là khái niệm mới được nhắc đến. Song trước đây, khái niệm này mới chỉ dừng ở khâu tuyên truyền vận là chính. Nay trước thực trạng quá tải bãi rác, khâu xử lý không kịp so với lượng rác thải ra. Để kịp thời bảo vệ môi trường, ngăn chặn các tác nhân gây ô nhiễm môi trường, nội dung này đã nhận được sự quan tâm lớn từ nghị trường Quốc hội cho đến cấp ủy chính quyền địa phương và được cụ thể hóa bằng Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Quốc hội thành lập Đoàn giám sát tối cao về môi trường

Với đại đa số đại biểu tán thành, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Chuyên đề giám sát tối cao nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường. Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường;

Cùng với đó kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đối tượng giám sát, gồm: Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương. Đoàn sẽ tập trung giám sát về các nội dung: Việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Phân loại rác thải tại nguồn cần đồng bộ hóa ở tất cả các khâu

Để triển khai thực hiện có hiệu quả, bền vững việc phân loại rác thải tại nguồn tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chọn xã Liên Châu, huyện Yên Lạc thí điểm mô hình điểm phân loại rác thải hộ gia đình.

Không phải đến thời điểm này, xã Liên Châu mới thực hiện quy định phân loại rác thải tại hộ gia đình. Gần 2 năm nay, kể từ khi thôn Thụ Ích được công nhận Làng văn hóa kiểu mẫu, bà Nguyễn Thị Hậu và nhiều hộ gia đình của thôn Thụ ích- thôn được công nhận Làng văn hóa kiểu đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Các hộ gia đình đều trang bị thùng chứa rác 3 ngăn, có màu sắc khác nhau để các thành viên trong gia đình nhận biết và bỏ rác đúng vào các ngăn quy định. Làm nhiều lần thành quen, rác thải, nhất là các loại túi nilon, chai nhựa đã không còn xuất hiện ngoài đường, ngõ

Từ 1/1/2025, tức chỉ còn hơn 5 tháng nữa, cả nước sẽ phải đồng loạt bắt buộc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Theo Nghị định 45 của Chính phủ, các hộ gia đình nếu không phân loại rác thì sẽ bị từ chối vận chuyển và có thể bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Theo hướng dẫn, 3 nhóm chất thải chính sẽ được phân loại gồm: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; Chất thải thực phẩm; Chất thải rắn sinh hoạt khác. Ngoài hướng dẫn cách phân loại rác, buổi tập huấn phân loại rác thải tại nguồn do Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức, một lần nữa khẳng định tính nghiêm minh của pháp luật, người dân cần phải cấp hành thực hiện và sự cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay.

Từ nay cho đến khi tính pháp lý của Luật được thực hiện, các địa phương sẽ còn rất nhiều việc phải làm từ việc tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng, đến việc đồng bộ trong tất cả các khâu từ đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển, đến xử lý tái chế rác thải sinh hoạt. Hiện nay, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, người dân đã và đang thực hiện phân loại rác tại nguồn.Tuy nhiên theo các chuyên gia môi trường để việc phân loại được hiệu quả, từ khâu thu gom, xử lý cần được đầu tư hơn nữa đặc biệt cơ sở hạ tầng và các nhà máy để xử lý cho từng loại rác. Việc đồng bộ tất cả các khâu từ phân loại, thu gom, đặc biệt là xử lý tái chế rác thải sinh hoạt là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của phân loại rác tại nguồn.

Chính vì vậy, việc đầu tư, huy động các nguồn lực cho hạ tầng xử lý, tái chế rác thải được rất nhiều địa phương quan tâm. Tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bãi rác đã trở nên quá tải và ô nhiễm môi trường, trong khi đó để đầu tư khu xử lý rác thải sinh hoạt đúng quy định đòi hỏi phải có tài chính ngân sách lớn, năng lực và công nghệ.".

Trong khi chờ đồng bộ hóa quy trình phân loại, thu gom và xử lý rác thải, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động Nhân dân cùng chung tay bảo vệ môi trường; hình thành ý thức trách nhiệm chấp hành pháp luật và hình thành thói quen bảo vệ môi trường như: hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, phân loại và đổ rác đúng nơi quy định. Bên cạnh tuyên truyền đến các đối tượng hằng ngày có liên quan đến rác thải sinh hoạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đặc biệt chú trọng đến học sinh, sinh viên.

Phân loại rác tại nguồn là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn bởi rác thải nếu chỉ chôn lấp thông thường sẽ gây rất nhiều lãng phí như tốn diện tích lớn cho việc xây dựng, chi phí vận hành các bãi chôn lấp; nguy cơ gây ô nhiễm môi trường... Ngoài ra, các nguồn nguyên liệu có thể tái chế… cũng bị vùi chôn trong đất mà theo tính toán phải mất hàng trăm năm sau mới có thể phân hủy. Chính vì vậy, hạn chế sử dụng sản phẩm dùng một lần làm bằng nhựa được xem là giải pháp bảo vệ môi trường hiệu quả và nếu phải dùng thì việc tái chế không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế.

Lỗ Hiếu