Từ trước đến nay, việc ứng dụng các nền tảng công nghệ để bán hàng vẫn được xem là một lợi thế của rất nhiều doanh nghiệp trẻ, thế nhưng không dễ dàng để chiếm lĩnh thị trường số khi đưa các sản phẩm nông nghiệp lên các sàn. Đặc biệt với những doanh nghiệp “sinh sau, đẻ muộn” muốn gây dựng thương hiệu khi tham gia vào thị trường vốn đã có những làng nghề nổi tiếng, truyền thống trên cả nước thì doanh nghiệp đó lại đối mặt với nhiều cạnh tranh và thách thức.
Anh Lê Văn Cường, Công ty Cổ phần đầu tư Friend Foods, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc lập kênh bán hàng thịt chua trên các nền tảng nhưng khá chật vật để duy trì. Lý do vì anh là một doanh nghiệp trẻ, mới chập chững bước vào thị trường có quá nhiều thách thức phải đối mặt.
Muốn có được khách hàng thì giá sản phẩm phải cạnh tranh, chất lượng phải tốt, vì vậy doanh nghiệp luôn nghĩ cần phải cắt bỏ các khâu trung gian để tiết giảm chi phí. Với góc độ là một doanh nghiệp, anh Cường cũng đang phải vượt qua rất nhiều thách thức từ khâu đảm bảo chất lượng nguồn sản phẩm, nguyên liệu đầu vào, đảm bảo các quy trình sản xuất, tham gia xúc tiến các thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, việc bán hàng trên các nền tảng, sản phẩm sẽ phải tăng giá bán hoặc doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm sâu lợi nhuận để trả chi phí thuế khi sản phẩm được bán trên các nền tảng. Vì thế doanh nghiệp này mới chỉ dừng lại ở việc bán hàng trực tuyến qua các phiên livestream, còn việc bán hàng qua các kênh tiktok shop hay shoppe và các kênh thương mại điện tử khác vẫn rất yếu.
Với một doanh nghiệp nhỏ và trẻ, muốn có chỗ đứng trên thị trường sẽ phải đối mặt với các vấn đề về đảm bảo chất lượng hàng hóa, các mối xuất hàng nhỏ, lẻ, bấp bênh và nhiều khi cũng phải chấp nhận việc bán hàng với giá thấp để có thị trường. Nếu muốn đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử thì chi phí lại bị đội lên nên đó là một khó khăn cho các doanh nghiệp ứng dụng nền tảng số vào mục đích kinh doanh.
Thùy Linh