Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội và người dân. Chặng đường 10 năm thực hiện chỉ thị 40 là minh chứng rõ nét về “ý Đảng hợp lòng dân”, chỉ thị thiết thực vào cuộc sống, gieo mầm cho sự phát tiển của những người dân nghèo, khó khăn, tạo ra công bằng xã hội đối với người yếu thế.
10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW đã khẳng định ý nghĩa về chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, nhất là đối với nhóm người dễ bị tổn thương. Tín dụng chính sách đã “đánh thức” được tính chủ động, sáng tạo, nêu cao ý thức trách nhiệm của người thụ hưởng chính sách, tạo động lực để các thành viên trong gia đình đoàn kết cùng phát triển kinh tế. Việc hình thành định chế tài chính tín dụng dành cho một số đối tượng chính sách xã hội với cơ chế chuyển từ cấp phát, hỗ trợ trực tiếp sang hình thức cho vay ưu đãi đã giảm dần gánh nặng ngân sách.
Hộ chị Nguyễn Thị Bảy, phường Đồng Tâm, thuộc hộ cận nghèo, cuối năm 2023 chị được vay 100 triệu sản xuất kinh doanh. Từ nguồn vốn ấy chị Bảy đã dùng để mua 10 chiếc máy may để thực hiện ước muốn sản xuất hàng may mặc cho các hãng thời trang. Với khát vọng vươn lên, sự nhanh nhạy và tự tin khi có vốn sản xuất, xưởng may của chị hiện nay đã hoạt động ổn định, tạo việc làm cho 4 nhân công lao động, trong ấy có những phụ nữ mắc bệnh hiểm nghèo, hoàn cảnh khó khăn giống như chị. Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo ra lợi ích kép, tác động kép để mọi người yếu thế trong xã hội có điều kiện vượt lên.
Đến hết tháng 6/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 2.700 tỷ đồng so với năm 2014, tăng 149,2%, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14,92%/năm.Theo thống kê, đến cuối năm 2023 Vĩnh Phúc có 2.094 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,61%/tổng số hộ. Các cấp, các ban ngành, đoàn thể đã nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.
Từ đó, 100% cấp uỷ Đảng, chính quyền các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo, giải pháp mới như: giao chỉ tiêu trong thực hiện giảm nghèo, tổ chức ký cam kết chỉ tiêu giảm nghèo hằng năm với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố, từ đó Vĩnh Phúc hoàn thành sớm mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 1% mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.
Thùy Linh