Trong những năm qua, cùng với việc chú trọng phát triển cơ sở giáo dục mầm non công lập, tỉnh Vĩnh Phúc đã quan tâm, tạo điều kiện để phát triển quy mô, chất lượng trường, lớp mầm non ngoài công lập đáp ứng tốt nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh, giúp giảm tải trong các trường mầm non công lập, góp phần đa dạng loại hình đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục.
Nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ
Tại Vĩnh Phúc hiện có 17 trường mầm non tư thục và 239 lớp nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, mầm non độc lập, huy động được gần 17.000 trẻ ra lớp. Nhiều trường có diện tích rộng, sân chơi thoáng mát, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, hiện đại, phương pháp giáo dục tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ đạt chất lượng cao đã được nhiều trường mầm non tư thục như Trường mầm non quốc tế FTF, Trường mầm non Sao Mai Vĩnh Phúc, Trường mầm non Skinder’s sky, Trường mầm non Achihom Vĩnh Yên… quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Qua đó góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ tại Vĩnh Phúc hiện nay.
Hoạt động từ năm 2015, ngoài phương pháp giáo dục truyền thống, Cơ sở mầm non tư thục Hồng Hà, thành phố Vĩnh Yên không ngừng hướng tới xây dựng các chương trình ngoại khóa, trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ để đáp ứng mong muốn của phụ huynh học sinh. Hiện, cơ sở có 9 phòng học được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, có khu vui chơi, học tập trong lớp, ngoài trời thu hút hơn 250 trẻ theo học.
Theo cô Phùng Thúy Hằng, chủ Cơ sở mầm non tư thục Hồng Hà: Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ, bảo đảm môi trường thân thiện, an toàn, nhà trường luôn chú trọng bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Hằng năm, tại trường có hơn 97% trẻ phát triển tốt; trẻ suy dinh dưỡng giảm còn dưới 2%; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục.
Trường Mầm non tư thục Bình Minh, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên là ngôi trường tư thục đầu tiên của thị trấn được đầu tư đồng bộ, có cơ sở vật chất hiện đại với tổng diện tích hơn 1.100m2. Trường có 8 phòng học và các phòng chức năng được xây kiên cố, có đủ diện tích, sân chơi thoáng mát cho trẻ hoạt động, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục và nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ.
Cô Đoàn Thu Hằng Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Bình Minh cho biết: Nhà trường đã đưa nhiều tiết học theo phương pháp STEAM vào giảng dạy, giúp trẻ được trải nghiệm, thực hành những kỹ năng, kiến thức gần gũi với cuộc sống. Trường đã triển khai hiệu quả chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tổ chức các hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục toàn diện, tăng cường hoạt động vui chơi, trải nghiệm, khám phá nhằm phát huy tính tích cực, chủ động của trẻ, tạo môi trường giáo dục an toàn thân thiện.
Giải bài toán quá tải cho hệ thống trường công lập
Một lớp học tại Trường mầm non tư thục Bi Bi đường Lê Chân thành phố Vĩnh Yên. Ảnh tư liệu: Hoàng Hùng/TXVN
Hiện nay, huyện Bình Xuyên có 21 trường mầm non công lập với 8.493 học sinh và 25 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với 1.750 học sinh. Tại huyện Bình Xuyên, việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần giải bài toán quá tải, gây áp lực cho hệ thống các trường công lập, đặc biệt là ở các khu công nghiệp có biến động dân số cơ học nhanh, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của một bộ phận người lao động.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Trường phòng Giáo dục huyện cho biết: Để quản lý tốt hơn cơ sở mầm non ngoài công lập, Phòng Giáo dục đã phối hợp với UBND các xã, phường thành lập đoàn kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non độc lập, tư thục về công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Phòng giao nhiệm vụ cho các trường mầm non công lập giúp đỡ về chuyên môn, theo dõi, giám sát các cơ sở mầm non ngoài công lập trên địa bàn về việc đảm bảo an toàn cho trẻ trong các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích, phòng, chống cháy nổ và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, 25/25 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tại huyện đều đạt tiêu chuẩn trường học an toàn về phòng, chống tai nạn thương tích.
Việc phát triển các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã góp phần giải bài toán quá tải cho hệ thống các trường công lập. Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang gặp phải những khó khăn liên quan đến việc đầu tư cơ sở vật chất, quỹ đất để mở rộng trường đảm bảo theo tiêu chí trường chuẩn quốc gia, công tác tuyển dụng giáo viên.
Theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục đào tạo giai đoạn 2019-2025 đã xác định mục tiêu đến năm 2025, số cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đạt 25% và số trẻ theo học đạt 30%. Trong khi đó, hiện, tỉnh Vĩnh Phúc mới đạt 7,9% số trường và 5,5% số trẻ theo học các trường mầm non ngoài công lập.
Để tạo cơ chế thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ thống giáo dục mầm non ngoài công lập, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đang tham mưu tỉnh ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2027. Trong đó, tỉnh tập trung vào chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư, kinh phí đóng bảo hiểm, học phí cho học sinh tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập; khuyến khích thành lập trường ngoài công lập có liên kết đào tạo với nước ngoài; chuyển đổi một số cơ sở giáo dục công lập dôi dư thành cơ sở ngoài công lập phục vụ nhu cầu học tập của người dân.
Theo Nguyễn Thảo (TTXVN)
https://baotintuc.vn/giao-duc/vinh-phuc-phat-trien-co-so-giao-duc-mam-non-ngoai-cong-lap-20240901075345410.htm