Cập nhật: 02/09/2024 08:33:00
Xem cỡ chữ

“Điểm chuẩn khối ngành sư phạm cao chót vót”, “vào cửa sư phạm phải ít nhất đạt từ điểm 9 trở lên”, “ngành đào tạo giáo viên “hot” nhất trong mùa tuyển sinh đại học”, “triển vọng tươi sáng đang đến với những nhà giáo tương lai”, “học nghề giáo báo hiệu tương lai tốt đẹp”... là những tiêu đề nổi bật, những ý kiến bình luận sôi nổi trên cả báo chí và truyền thông xã hội.

Chưa có năm nào mà những người làm giáo dục lại tưng bừng, phấn chấn như trước thềm năm học mới này. Bởi vì thông tin số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng vào ngành sư phạm năm nay tăng 85% so với năm ngoái. Hầu hết cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước đều có điểm chuẩn đầu vào cao hơn điểm chuẩn so với nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo khác.

Niềm vui như được nhân lên vì Kết luận số 91-KL/TW ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, nêu rõ: “Lương nhà giáo được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Sức hút mới của ngành đào tạo sư phạm

Sinh viên Trường Đại học Thủ đô Hà Nội (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021).  Ảnh: qdnd.vn

Như vậy, trong lộ trình cải cách tiền lương tới đây, lương nhà giáo có thể đứng ở vị trí đầu bảng lương của công chức, viên chức, xứng đáng với vị trí công việc “trồng người” và địa vị xã hội của nghề dạy học-nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý-như sinh thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định.

Không ngẫu nhiên mà nghề dạy học vài ba năm trở lại đây lại được toàn xã hội quan tâm như vậy. Cú hích đầu tiên để ngành sư phạm được “vực dậy” là Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25-9-2020 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo đó, tất cả sinh viên theo học ở các cơ sở đào tạo sư phạm (đại học, cao đẳng) ngoài được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học, mỗi em còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định số 116/2020/NĐ-CP, số lượng thí sinh quan tâm tới các ngành đào tạo giáo viên tăng lên, tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm trúng tuyển và tỷ lệ thí sinh nhập học các ngành đào tạo giáo viên tăng mạnh so với các ngành, lĩnh vực đào tạo khác. Điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều học sinh có năng lực học tập tốt vào ngành đào tạo giáo viên.

Điểm chuẩn đầu vào cao; sinh viên theo học sư phạm được hỗ trợ chi phí sinh hoạt và học tập; lương nhà giáo sẽ được ưu tiên cao nhất trong hệ thống thang bậc lương học tập... là những minh chứng “biết nói” về ngành sư phạm đã, đang được củng cố, nâng tầm địa vị trong xã hội; đồng thời cũng là tín hiệu cho thấy sự nghiệp “trồng người” của nước nhà sẽ có bước chuyển biến mới trong tương lai gần. Bởi vì giáo viên chính là “máy cái” vận hành trong hệ thống giáo dục và là nhân tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả của nền giáo dục.

Điều ý nghĩa hơn, những động thái tích cực nêu trên còn góp phần bồi đắp niềm tin cho xã hội về nghề dạy học và tăng thêm cái nhìn thiện cảm, trân quý đối với hình ảnh nhà giáo-những người gắn với sứ mệnh “trồng người” cao cả, nhưng có một thời từng bị coi nhẹ vì quan niệm “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”, hay “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa, tránh xa... sư phạm”.

Theo Thạc sĩ NGUYỄN HỒNG SƠN/qdnd.vn

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/suc-hut-moi-cua-nganh-dao-tao-su-pham-792080