Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc có nhiều mục tiêu quan trọng, trong đó có việc kiểm soát lũ lụt, ngập úng tại lưu vực trung tâm tỉnh.
Ngay trong đợt mưa lớn vừa qua do ảnh hưởng của cơn bão số 3, dự án đã mang lại hiệu quả tích cực, đặc biệt trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt kéo dài trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên.
Những năm trước đây, Khi diễn biến thời tiết bất thường, mưa lớn, dài ngày, mực nước sông Cà Lồ, sông Cầu dâng cao, khả năng tiêu thoát của sông Phan rất khó khăn, tiêu rất chậm, thậm chí chảy ngược về phía thượng lưu, dẫn đến lượng mưa tại các đô thị, đặc biệt là thành phố Vĩnh Yên nằm trong vùng tiêu sông Phan - Cà Lồ bị lưu lại tại các hồ đầm trong khu vực đô thị, nước không tiêu thoát được, gây ngập cục bộ tại các khu vực có cao độ thấp và ngập diện rộng các khu vực đất nông nghiệp nằm trong vùng tiêu. Năm nay, khi Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc đi vào hoạt động, bài toán ngập úng đô thị của Vĩnh Yên đã có lời giải.
Với việc kiểm soát lũ một cách chủ động theo hướng tiêu thoát bằng bơm ra sông Phó Đáy và sông Hồng qua trạm bơm tiêu Kim Xá, Ngũ Kiên, Nguyệt Đức và vận hành linh hoạt điều tiết cầu Tôn, cầu Sắt trên địa bàn huyện Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên nhằm ngăn không cho nước từ sông Cầu không dồn ngược trở lại sông Phan; cũng như hệ thống điều tiết nước trên kênh Bến Tre, vì vậy, trong đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đã không còn tình trạng ngập úng kéo dài.
Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc bước đầu đã mang đến những hiệu quả tích cực phòng, chống lụt bão, giảm thiểu ngập úng; quản lý tốt nguồn nước theo hướng ổn định, sinh thái, bền vững và phát huy đầy đủ các mục tiêu kép trong lĩnh vực đời sống, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội của Vĩnh Phúc.
Đặng Thưởng