Bão số 3 đã gây hậu quả rất lớn về con người và tài sản của Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Sau đó là hoàn lưu bão kèm theo mưa lớn, cùng với nước từ thượng nguồn đổ về khiến cho các con sống chảy qua địa phận tỉnh dâng cao, tràn qua đê gây ngập lụt một số địa phương và làm cuộc sống người dân đảo lột, gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngay sau bão, nước sông rút, cùng với việc khắc phục thiệt hại, một trong những phần việc được các cấp chính quyền và Nhân dân ưu tiên hàng đầu đó là vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh tật, sớm ổn định cuộc sống.
Sau mưa bão, lũ lụt sẽ có rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh. Hơn nữa, mưa bão, ngập lụt là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cho con người.
Những dịch bệnh thường hay gặp trong mùa mưa lũ là: tiêu chảy cấp, bệnh đường hô hấp, bệnh về mắt, bệnh ngoài da, sốt xuất huyết. Để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã phối hợp cùng với các cấp chính quyền địa phương triển khai công tác phòng chống và sự phát sinh, lây lan của dịch bệnh, nhất là tại các địa bàn bị ngập lụt nhiều ngày; địa bàn sử dụng giếng khoan, giếng đào, địa bàn có nhiều ao hồ bị ngập úng.
Ngành Y tế Vĩnh Phúc đã chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở cung cấp nhiều chế phẩm sinh học cùng Cloramin B, trực tiếp xuống địa bàn dân cư hướng dẫn và trực tiếp cùng với Nhân dân thực hiện công tác phun khử trùng tiêu độc môi trường; phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ để tránh phát sinh các dịch, bệnh truyền nhiễm; làm vệ sinh và xử lý các nguồn nước cấp cho ăn uống sinh hoạt để đảm bảo có nước sạch cho người dân.
Hiện nay, Sở Y tế cũng đã thành lập các đoàn giám sát, đánh giá nguy cơ về dịch bệnh tại các vùng bị ảnh hưởng bởi mưa lũ và ngập lụt. Hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp xử lý môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm sau mưa lũ.
Bão số 3 đã đi qua, song hoàn lưu của nó vẫn gây ra mưa lớn, nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao. Ngành Y tế Vĩnh Phúc khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng thực phẩm đã tiếp xúc với nước lũ hoặc thực phẩm đã bị hư hỏng. Thực hiện ăn chín, uống sôi, đồng thời, tăng cường bổ sung vitamin, nhất là C và E, từ hoa quả và rau củ để cải thiện hệ miễn dịch. Uống đủ nước, giúp cơ thể loại bỏ vi khuẩn và ngăn ngừa cảm cúm.
Lỗ Hiếu