Cập nhật: 10/10/2024 20:50:00
Xem cỡ chữ

Cơn bão số 3 mang tên YAGI diễn ra đầu tháng 9 năm 2024 khi đi vào các tỉnh phía Bắc được đánh giá là siêu bão và lớn nhất trong vòng 60 năm qua. Rút kinh nghiệm từ các năm có mưa bão lớn, Vĩnh Phúc đã chuẩn bị kịch bản cho tình huống ngập lụt trên diện rộng nhưng các tình huống xấu nhất đã không xảy ra.

So với các tỉnh khu vực phía Bắc, Vĩnh Phúc chịu thiệt hại thấp nhất. Thành phố Vĩnh Yên, huyện Tam Dương, huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Tam Đảo và thành phố Phúc Yên thường hay ngập lụt khi có mưa lớn nhưng năm nay nước được rút đi nhanh.

Nhiều năm trước, mỗi khi bước vào mùa mưa bão, ngập lụt luôn là nỗi lo thường trực của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân địa phương. Nhất là mỗi khi có mưa lớn kéo dài, nước từ thượng nguồn đổ về, các hồ chứa nước trong tỉnh phải xả tràn khiến cho nước trong các sông nội tỉnh dâng cao gây lên tình trạng ngập lụt ruộng đồng, ao, hồ, đầm.

Ngay như tại thành phố Vĩnh Yên, nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhưng cũng thường xuyên xảy ra tình trạng ngập lụt các khu dân cư, thậm chí nước tràn lên các tuyến đường giao thông khiến nhiều phương tiện xe cơ giới không thể tham gia giao thông được và bị chết máy, hư hỏng. Một số khu dân cư, người dân phải đóng thuyền, bè làm phương tiện di chuyển ra vào nhà.

Vậy đâu là nguyên nhân tình trạng trên

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Vĩnh Phúc cho biết, việc tiêu thoát nước mỗi khi có mưa lớn trên địa bàn tỉnh tập trung chủ yếu qua hệ thống sông Phan, sông Cà Lồ và chảy tự do ra sông Cầu. Nhưng khi nước sông Cầu dâng cao, nước sông nội tỉnh không thoát ra được, thậm chỉ chảy ngược lại và gây lên tình trạng ngập úng.

Phải xây dựng Vĩnh Phúc trở thành nơi đáng sống, điểm dừng chân của các tập đoàn kinh tế lớn. Người dân phải được thừa hưởng thành quả của sự phát triển. Năm 2014, tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất và được Ngân hàng Thế giới chấp thuận cho vay 220 triệu USD tương đương với hơn 5 nghìn tỷ đồng để triển khai Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc.

Năm 2018, Dự án được triển khai với kỳ vọng kiểm soát lũ lụt tại lưu vực trung tâm tỉnh, ngăn chặn sự suy thoái nhanh chóng của chất lượng nước mặt, nâng cao năng lực tích trữ nguồn nước. Dự án gồm 3 hợp phần, trong đó hợp phần xây dựng các trạm bơm tiêu, các trạm điều tiết đóng mở có vai trò quan trọng nhất trong việc chống ngập lụt tại Vĩnh Phúc. Diện tích tự nhiên vùng dự án lên đến 710km2 tại 7 huyện, thành phố gồm các huyện: Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên và 2 thành phố là Phúc Yên và Vĩnh Yên. Có hơn 500 nghìn dân (gần bằng nửa dân số tỉnh Vĩnh Phúc) được hưởng lợi trực tiếp dự án.

Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 2 cơn bão kèm theo mưa lớn đổ bộ vào Vĩnh Phúc, nhất là bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên diện rộng. Cùng với đó, tất cả các hồ thủy điện khu vực phía Bắc đều phải thực hiện xả lũ. Nước từ phía thượng nguồn dồn dập đổ về trên các sông qua địa phận Vĩnh Phúc, có ngày lên mức báo động 3 (cao hơn cả năm 2008 - năm Vĩnh Phúc chịu thiệt hại rất lớn do mưa bão).

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc liên tục ra lệnh báo động trên các sông. Nước sông Lô tràn qua đê gây ngập úng 11/12 thôn của xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch. Một số khu dân cư ven sông Lô, sông Phó Đáy như: thôn Việt An, thôn Việt Hưng xã Việt Xuân huyện Vĩnh Tường; thôn Tân Lập, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch bị cô lập trong nước. Nước sông tràn vào đã gây ra một số sự cố cống ngăn nước thuộc địa bàn xã Triệu Đề, xã Liên Châu nhưng đều được các cấp, các ngành nhanh chóng khắc phục, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.

Bên cạnh các giải pháp chủ động, kịp thời trong công tác phòng chống lụt bão, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa vào vận hành thử nghiệm các công trình thuộc Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc. Hiệu quả bước đầu của Dự án được kiểm chứng trong cơn bão số 3 vừa qua.

Năm nay, toàn bộ hệ thống nước của các hồ, đầm, sông suối được kết nối với nhau và được điều chỉnh bởi các Trạm điều tiết. Khi sông Cầu không còn khả năng tiếp nhận, lúc này trạm điều tiết cầu Sắt, cầu Tôn có nhiệm vụ đóng cửa ngăn nước sông chảy ngược. Toàn bộ nước khu vực nội tỉnh thuộc các địa bàn huyện Tam Đảo, Bình Xuyên, huyện Tam Dương, Vĩnh Tường, Yên Lạc, thành phố Phúc Yên và thành phố Vĩnh Yên được điều tiết về 3 Trạm bơm tiêu công suất lớn, trong đó Trạm bơm Kim Xá có nhiệm vụ bơm nước ra sông Phó Đáy, chống ngập cho vùng Tam Dương; Trạm bơm tiêu Ngũ Kiên bơm nước ra sông Hồng, chống ngập cho 1 phần Tam Dương và toàn bộ huyện Vĩnh Tường; Trạm bơm tiêu Nguyệt Đức là trạm bơm lớn nhất của dự án có nhiệm vụ bơm nước ra sông Hồng, chống ngập cho huyện Yên Lạc, Tam Đảo, Bình Xuyên, thành phố Phúc Yên và thành phố Vĩnh Yên. Công suất 3 trạm bơm tiêu là 145m3/s. Trong đợt mưa lũ vừa qua, 3 trạm đã thực hiện bơm hơn 100 triệu m3 nước từ trong tỉnh ra các sông.

Nhiều khu vực trước đây cứ mưa lớn nhiều ngày là ngập nhưng nay nước đều được tiêu thoát rất nhanh. Nhiều diện tích nuôi trồng thủy sản như khu Đầm Cốc, huyện Yên Lạc, khu Đầm Sáu Vó, huyện Bình Xuyên được ví như rốn lũ của 2 huyện nhưng được đảm bảo an toàn, nước không tràn vào các bờ ngăn nuôi trồng thủy sản.

Gần 40 năm nuôi trồng thủy sản trong khu vực Đầm Sáu Vó, ông Trần Ngọc Thanh vui mừng cho biết: hằng năm vào mùa mưa, các hộ nuôi trồng thủy sản rất lo lắng bởi nguy cơ mất trắng rất cao. Tuy nhiên khi cơn bão số 3 đi qua, diện tích nuôi trồng thủy sản trong Đầm đều an toàn.

Tại thành phố Vĩnh Yên, khi đón nhận thông tin về sức mạnh của cơn bão số 3, thông tin xả lũ từ các hồ thủy điện, xả tràn từ các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh, nhiều người dân đã không khỏi thấp thỏm, lo lắng, nhưng tình trạng ngập úng đã không xảy ra.

Sau bão, Nhân dân trong tỉnh nhanh chóng thu hoạch lúa mùa. Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thiệt hại trong mưa bão là không thể tránh khỏi, song năm nay do nước rút nhanh nên có rất nhiều diện tích hoa màu, lúa mùa ở vùng trũng, thấp vẫn cho thu hoạch, không bị mất trắng như các năm trước.

Không chỉ bảo vệ được sản xuất nông nghiệp, phòng chống ngập lụt đô thị mà tại các khu công nghiệp, mưa bão cũng không làm ảnh hưởng đến sản xuất tại các khu công nghiệp.

Theo kế hoạch, Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc sẽ hoàn thành vào tháng 6 năm 2025. Tuy nhiên đến nay, Dự án cơ bản đã hoàn thành và đang trong quá trình vận hành thử nghiệm. Nhờ có khả năng chủ động điều tiết nước chống ngập lụt, Dự án còn góp phần tích trữ nước tại các hồ, đầm và trên hệ thống sông, suối góp phần cải thiện môi trường nước, tái tạo nguồn lợi thủy sản và phục vụ sản xuất nông nghiệp vào mùa khô.

Trải qua cơn bão số 3, Dự án đã góp phần tránh được tổn thất lớn về tài sản, về thành quả lao động sản xuất cho người dân, doanh nghiệp và chi phí cho công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai của các cấp ủy, chính quyền. Đi qua cơn bão thế kỷ, từ nay, bài toán về phòng chống ngập lụt tại Vĩnh Phúc tồn tại hằng chục năm đã có lời giải. Dự án hoàn thành cũng có thể được coi là công trình thế kỷ.

Chế ngự được thiên nhiên là việc làm khó đối với các nước trên thế giới. Cho đến nay, con người không thể ngăn chặn được sự hình thành của bão, nhưng chúng ta có thể làm giảm thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra và kiểm soát được theo ý muốn.

Lỗ Hiếu