Cập nhật: 08/11/2024 13:51:00
Xem cỡ chữ

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã hỗ trợ rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản. Mỗi năm, chương trình thu hút hàng chục sản phẩm đăng ký tham gia đánh giá, phân hạng.

Để nâng cao kiến thức cho các chủ thể và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, giúp các chủ thể đảm bảo đúng các tiêu chí đánh giá.

Năm 2024, toàn tỉnh có 28 chủ thể đăng ký tham gia phân hạng OCOP với 37 sản phẩm. Ngay từ khi có kế hoạch, Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới đã tổ chức các hội nghị tập huấn cho các chủ thể về những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2023, đặc biệt là xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP đảm bảo đúng quy trình và theo trình tự các bước quy định. Đồng thời, phân tích tầm quan trọng của Chương trình OCOP, phát triển sản phẩm địa phương, nâng cao năng lực chủ thể, khai thác giá trị để tạo sức cạnh tranh theo hướng tạo nên sự đặc sắc và sự khác biệt. Đây là tiền đề để các chủ thể nâng cao kiến thức, áp dụng vào thực hiện các bước, quy trình hoàn thành một sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn để đánh giá, phân hạng.

Năm 2024, có rất nhiều chủ thể, đơn vị lần đầu tiên có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP nên những kiến thức được trang bị từ các đơn vị tư vấn trở thành cơ sở để họ xây dựng quy trình, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm cũng như có thêm kiến thức để quảng bá, đưa sản phẩm vào thị trường trong và ngoài nước.

Sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan là tiền đề để hộ gia đình, HTX, doanh nghiệp hoàn thiện sản phẩm, thực hiện đúng quy trình nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm khi tham gia đánh giá phân hạng OCOP cũng như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đưa sản phẩm ra thị trường.

Hà Giang