Cập nhật: 11/11/2024 07:15:00
Xem cỡ chữ

Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn cho biết: Việt Nam tái khẳng định cam kết, tiếp tục hợp tác với tất cả các nước trong khu vực và các đối tác khác, cùng hành động và chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững ở khu vực biển Đông Á.

 Cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu và trình bày quan điểm của Việt Nam đối với nội dung về tài chính xanh. (Ảnh: TL)

 Sáng 06/11, Đại hội biển Đông Á 2024 với chủ đề: “Hợp lực xanh vì một tương lai chung: Một đại dương bền vững và có sức chống chịu” (Blue Synergy for a Shared Future: One Sustainable and Resilient Ocean) đã được khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hạ Môn, thành phố Hạ Môn, Trung Quốc.

Sự kiện diễn ra đồng thời với Tuần lễ Đại dương Thế giới từ ngày 06 - 08/11/2024 do Bộ Tài nguyên Thiên nhiên nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Chính quyền Nhân dân thành phố Hạ Môn và Tổ chức Đối tác quản lý môi trường các vùng biển Đông Á (PEMSEA) đồng chủ trì.

Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, làm Trưởng đoàn đã tham dự Đại hội. Ngoài ra, đại diện Lãnh đạo các địa phương là thành viên của các mạng lưới thuộc PEMSEA cũng tham gia Đại hội gồm thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế.

Phiên làm việc sáng ngày 06/11 đã diễn ra sự kiện quan trọng là Diễn đàn Bộ trưởng và ký tuyên bố Bộ trưởng, với chủ đề đối thoại: “Từ Tuyên bố đến thực hiện: Những đổi mới, Cơ hội và Triển vọng cho Khu vực EAS”.

Cùng với đó là nhiều hoạt động khác trong khuôn khổ Đại hội bao gồm: Triển lãm về các thành tựu về phát triển bền vững biển và vùng bờ của các nước trong khu vực biển Đông Á; Các cuộc đối thoại về Hiệu ứng cộng hưởng trong việc đảm bảo sự tham gia của nhiều bên liên quan và giao diện khoa học-chính sách Hiệu ứng cộng hưởng trong việc đổi mới công nghệ và phương pháp tiếp cận; Các hội thảo quốc tế về các chủ đề Đổi mới và tài chính đại dương, Khoa học, Chính sách và Thực hành về đại dương; Thách thức toàn cầu, Giải pháp địa phương, Diễn đàn và cuộc họp thường niên của Mạng lưới các Chính quyền địa phương của PEMSEA (PNLG); Mạng lưới các Trung tâm học thuật của PEMSEA (PNLC)…

Việt Nam đã hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển 

Tại Diễn đàn Bộ trưởng, Cục trưởng Biển và Hải đảo Việt Nam Nguyễn Đức Toàn phát biểu và trình bày quan điểm của Việt Nam đối với nội dung về tài chính xanh.

Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn cho biết, tài chính xanh và đầu tư xanh là nội dung mới, nhiều tiềm năng. Với hơn một nửa dân số sinh sống ở các vùng ven biển, nơi có đáng kể lực lượng lao động tham gia vào các ngành công nghiệp liên quan đến biển, nền kinh tế xanh của Việt Nam không chỉ là động lực thúc đẩy thịnh vượng của khu vực mà còn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự Đại hội chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: TL)

Việt Nam đặt mục tiêu chiến lược là trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Chiến lược phát triển bền kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được thông qua năm 2018. Chiến lược này đã đưa ra các chủ trương và đột phát về phát triển kinh tế biển xanh, trong đó nhấn mạnh đến phát triển mô hình tăng trưởng xanh và bảo vệ môi trường. Để thực hiện Chiến lược này, Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm của Chính phủ.

Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn cũng cho biết, Việt Nam đã thực hiện khâu đột phá về hoàn thiện thể chế phát triển bền vững kinh tế biển với việc ban hành một số chiến lược như: Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Phù hợp với cam kết đối với Chiến lược phát triển bền vững cho các vùng biển Đông Á (SDS-SEA), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy thực hiện quản lý tổng hợp vùng bờ, hợp tác với các nước khác trong khu vực để phát triển bền vững biển và vùng bờ ở khu vực biển Đông Á. Với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là PEMSEA, Việt Nam đã thực hiện thành công SDS-SEA, cụ thể: Chúng tôi đã mở rộng quy mô Quản lý tổng hợp vùng ven biển tại toàn bộ 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển; ban hành Luật tài nguyên và môi trường biển và hải đảo; xây dựng và công bố Báo cáo quốc gia về tình trạng đại dương và bờ biển; Báo cáo quốc gia về Hiện trạng môi trường biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2021; và thực hiện nhiều hoạt động ở cấp quốc gia và địa phương”, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn chia sẻ.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn, có một thực tế là nguồn lực thực hiện các dự án xanh còn rất hạn chế, năng lực triển khai chưa được cải thiện. “Chúng tôi hy vọng rằng, thông qua những diễn đàn như hôm nay, PEMSEA, các tổ chức quốc tế, và chính phủ các nước sẽ tăng cường hợp tác quốc tế để có thể huy động nguồn tài chính dồi dào hơn, tăng cường chuyển giao công nghệ cho việc thúc đẩy kinh tế xanh, tài chính xanh. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đạt được kết quả nhất định”.

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: TL)

Phát biểu cam kết và tuyên bố của Việt Nam về việc tiếp tục ủng hộ PEMSEA và triển khai SDS-SEA tại Việt Nam, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Việt Nam tái khẳng định cam kết, tiếp tục hợp tác với tất cả các nước trong khu vực và các đối tác khác, cùng hành động và chia sẻ những kinh nghiệm, thực tiễn tốt nhất hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững ở khu vực biển Đông Á.

“Chúng tôi cam kết tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu của PEMSEA và thực hiện Kế hoạch thực hiện SDS-SEA giai đoạn 2023 - 2027 để quản trị hiệu quả các vùng biển và vùng bờ, con người và nền kinh tế quốc tế, cùng nhau phát triển và tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác và hợp tác khu vực của chúng ta”, Cục trưởng Nguyễn Đức Toàn nhấn mạnh.

Đại hội đánh giá những tiến bộ đã đạt được và những thách thức để  đạt được các cam kết và các mục tiêu của khu vực và toàn cầu trong thời gian qua cũng như chặng đường phía trước để xây dựng hành động hợp tác lớn hơn thông qua hợp tác, điều phối và chia sẻ tri thức giữa các nhóm các bên liên qua, đảm bảo mục tiêu hướng tới đại dương bền vững và có sức chống chịu cho một tương lai chung.

Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, việc tổ chức Đại hội giúp thúc đẩy việc chia sẻ các kiến thức, các mô hình thực hành tốt nhất, cũng như các giải pháp tối ưu hóa tại địa phương để duy trì biển/đại dương bền vững; Mở rộng kết nối xuyên biên giới để đẩy nhanh quá trình phát triển ứng dụng công nghệ và phương pháp tiếp cận nhằm thúc đẩy lợi ích về môi trường, xã hội và kinh tế; quan trọng hơn là tạo ra động lực đổi mới và huy động các mối quan hệ đối tác và nguồn lực để thực hiện tầm nhìn của Chiến lược Phát triển bền vững các biển Đông Á và Kế hoạch thực hiện Chiến lược giai đoạn 2023 - 2027 đã được thông qua.

Đại hội biển Đông Á được PEMSEA tổ chức định kỳ 03 năm một lần, luân phiên tại các quốc gia thành viên. Đây là một hội nghị quốc tế về phát triển bền vững và quản lý các khu vực vùng bờ, đại dương, tập trung vào các biển Đông Á./.

Theo dangcongsan.vn

 https://dangcongsan.vn/bien-dao-viet-nam/huong-toi-phat-trien-ben-vung-khu-vuc-bien-dong-a-682456.html