"Học sinh ở Hà Nội, đặc biệt là tại các trường THPT và các trường chất lượng cao, đang phải chịu áp lực lớn từ hệ thống thi cử. Cạnh tranh học tập khốc liệt khiến nhiều học sinh phải đối mặt với căng thẳng tâm lý, thậm chí là tình trạng kiệt sức".
Hà Nội vừa chính thức tổ chức Lễ kỷ niệm 70 thành lập ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô (1954 - 2024).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3.000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130.000 giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh. Hà Nội cũng là nơi tập trung 120 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng với gần 1 triệu sinh viên. Với quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, có mạng lưới trường, lớp đang không ngừng được mở rộng, ngày càng khang trang hiện đại, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia và quốc tế ngày càng gia tăng. Giáo dục Hà Nội đang từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân Thủ đô, cả giáo dục chính khoá và giáo dục thưởng xuyên, cả nâng cao dân trí và bồi dưỡng nhân tài.
Quy mô giáo dục Hà Nội chiếm trên 10% quy mô giáo dục cả nước với gần 3000 cơ sở giáo dục các cấp, khoảng 130.000 giáo viên, gần 2,3 triệu học sinh
“Những thành quả của giáo dục Thủ đô đạt được trong 70 năm qua sẽ là tiền đề quan trọng, tạo đà để ngành Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển, vượt qua những thách thức mới, sứ mệnh mới để đáp ứng được nhu cầu phát triển của Thủ đô trong thời kỳ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.
Cạnh tranh học tập khốc liệt khiến nhiều học sinh phải đối mặt với căng thẳng tâm lý
Nhìn lại quá trình phát triển của giáo dục Hà Nội cũng như đưa ra những gợi mở về phương hướng phát triển trong giai đoạn tiếp theo, thầy Nguyễn Vĩnh Sơn, Hiệu trưởng Trường Wellspring Hà Nội cũng cho rằng, hệ thống giáo dục Hà Nội đã ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, dù đạt được nhiều thành tựu, hệ thống giáo dục Hà Nội vẫn đang đối mặt với những thách thức không nhỏ.
Đầu tiên, áp lực học tập lớn đang trở thành vấn đề nổi cộm. Học sinh ở Hà Nội, đặc biệt là tại các trường THPT và các trường chất lượng cao, đang phải chịu áp lực lớn từ hệ thống thi cử. Cạnh tranh học tập khốc liệt khiến nhiều học sinh phải đối mặt với căng thẳng tâm lý, thậm chí là tình trạng kiệt sức. Học sinh không chỉ phải đạt kết quả học tập cao mà còn phải tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa, từ đó tạo ra gánh nặng lớn cho cả học sinh lẫn phụ huynh.
Học sinh bật khóc sau khi ra khỏi phòng thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024
Bên cạnh đó, sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa các khu vực trung tâm và ngoại ô vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
“Trong khi các trường học tại khu vực nội thành được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, thì ở các khu vực ngoại ô, các trường học vẫn còn nhiều khó khăn về điều kiện giảng dạy và đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng giữa các học sinh, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn thành phố”, thầy Sơn chỉ rõ.
Cũng theo thầy Nguyễn Vĩnh Sơn, mặc dù hệ thống giáo dục Hà Nội đã cải thiện nhiều về mặt kiến thức lý thuyết, nhưng học sinh vẫn chưa được đào tạo đầy đủ về các kỹ năng mềm quan trọng như tư duy sáng tạo, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề và quản lý cảm xúc. Trong thế kỷ 21, những kỹ năng này trở thành yếu tố quan trọng giúp học sinh thích ứng với môi trường làm việc toàn cầu và đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyển dụng.
TS. Nguyễn Ngọc Lan, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng nhận định, sự gia tăng dân số cơ học một cách cục bộ của Hà Nội trên một số địa bàn đã và đang tạo áp lực không nhỏ đối với công tác tuyển sinh. Trong điều kiện thành phố ngày càng hội nhập sâu và rộng cả khu vực và thế giới, việc lấy con người làm trung tâm là mục tiêu cơ bản, then chốt. Do đó, ngành giáo dục Thủ đô quan tâm thực hiện tốt hơn các định hướng chỉ đạo của Trung ương và thành phố về phát triển GD&ĐT theo tinh thần tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 29-NQ/ TW của Trung ương.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất trường lớp còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Nội dung giáo dục còn thiếu thiết thực. Nhìn tổng thể, có thể khẳng định cơ sở vật chất của ngành giáo dục vẫn còn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy và học tập còn thiếu thốn, tình trạng dạy chay còn phổ biến. Số lượng máy tính, máy chiếu còn ít, chưa đồng bộ. Điều kiện phục vụ việc dạy và học của các trường học còn kém, rất ít trường đạt chuẩn so với yêu cầu của một nhà trường. Cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng đào tạo còn nhiều bức xúc và cần có chương trình mục tiêu đầu tư để giải quyết
“Ngoài ra, quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém, bất cập, đội ngũ giáo viên vừa yếu vừa thiếu và không đồng bộ, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới. Công tác quản lý giáo dục còn nhiều yếu kém, cơ chế quản lý giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp sự đổi mới trên các lĩnh vực của đất nước.
Đạo đức và năng lực của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục còn thấp. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo chưa đáp ứng được yêu cầu; thiếu nhạy bén trong việc tham mưu với Ðảng và các cơ quan quản lý nhà nước về những vấn đề phức tạp mới nảy sinh; thiếu những quyết sách đồng bộ, hợp lý ở tầm vĩ mô để thúc đẩy phát triển giáo dục; một số chính sách về giáo dục còn chủ quan, duy ý chí, xa thực tế, thiếu sự đồng thuận của xã hội. Tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa theo kịp yêu cầu đổi mới, phát triển đất nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Những tác động mặt trái của cơ chế thị trường và những khó khăn của đất nước đã ảnh hưởng nhiều đến sự nghiệp phát triển giáo dục Thủ đô”, TS Nguyễn Ngọc Lan thẳng thắn chỉ rõ.
Giáo dục cần tập trung vào con người, hạnh phúc của học sinh
Để phát triển hệ thống giáo dục trong bối cảnh hội nhập, thầy Nguyễn Vĩnh Sơn cho rằng, muốn xây dựng hệ thống giáo dục hạnh phúc và toàn diện, Hà Nội có thể học hỏi từ mô hình giáo dục hạnh phúc của Phần Lan và Bhutan, nơi học sinh không chỉ học kiến thức mà còn phát triển tinh thần và cảm xúc.
Việc xây dựng một môi trường học tập an toàn, hạnh phúc và khuyến khích học sinh tìm hiểu, khám phá sẽ giúp họ phát triển toàn diện hơn.
“Các trường có thể đẩy mạnh phương pháp học tập dựa trên dự án. Phương pháp học tập dựa trên dự án đã được chứng minh là một cách hiệu quả để giúp học sinh phát triển kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo và giải quyết vấn đề. Điều này giúp học sinh không chỉ học lý thuyết mà còn áp dụng vào thực tiễn, phát triển kỹ năng toàn diện”, thầy Sơn đề xuất.
Hiệu trưởng Trường Wellspring cũng cho rằng, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các nền tảng học tập trực tuyến giúp cá nhân hóa quá trình học tập và nâng cao hiệu quả học tập cho từng học sinh. Hà Nội cần đẩy mạnh việc ứng dụng EdTech để hỗ trợ học sinh học tập từ xa và tạo điều kiện cho giáo viên theo dõi tiến trình học tập của học sinh một cách hiệu quả.
Đặc biệt, ngành giáo dục Thủ đô cần chú ý đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần trong trường học, xây dựng các chương trình giúp học sinh phát triển kỹ năng quản lý cảm xúc và tăng cường sức khỏe tinh thần.
“Thế giới hiện đại đang thay đổi với tốc độ nhanh chóng, đòi hỏi hệ thống giáo dục phải không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn tiên phong trong việc chuẩn bị cho một tương lai không thể đoán trước. Để đạt được điều đó, Hà Nội cần một tầm nhìn giáo dục mạnh mẽ, với sự cam kết thay đổi thực sự.
Điều đầu tiên cần nhận thức rõ là giáo dục phải tập trung vào con người, đặc biệt là hạnh phúc của học sinh. Việc giáo dục không thể chỉ dừng lại ở mục tiêu truyền đạt kiến thức đơn thuần, mà phải giúp học sinh phát triển tinh thần, cảm xúc, và ý thức xã hội.
Cần nhận thức rõ là giáo dục phải tập trung vào con người, đặc biệt là hạnh phúc của học sinh (Ảnh minh họa)
Một hệ thống giáo dục hướng đến hạnh phúc không chỉ tạo ra những công dân có trách nhiệm mà còn khơi dậy khả năng sáng tạo và sự đồng cảm, hai yếu tố cốt lõi của một xã hội tiến bộ. Nhưng làm thế nào để biến mục tiêu hạnh phúc này trở thành hiện thực? Chúng ta cần những thay đổi mạnh mẽ trong cách tiếp cận giáo dục, từ việc điều chỉnh chương trình giảng dạy đến cách thức tổ chức các hoạt động học tập.
Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới, chúng ta cũng cần suy ngẫm sâu sắc về bản chất của việc học. Việc quá chú trọng vào thành tích và kiểm tra đã vô tình tạo ra một môi trường áp lực đối với học sinh".
Theo thầy Sơn, thay vì nhấn mạnh vào việc đánh giá năng lực qua điểm số, hệ thống giáo dục cần tập trung vào việc phát triển kỹ năng học tập suốt đời, khả năng tự học, và sự hiểu biết đa chiều. Việc thay đổi cách tiếp cận từ thành tích sang quá trình học tập sẽ không chỉ giảm bớt áp lực học tập mà còn thúc đẩy sự tò mò và đam mê khám phá của học sinh. Đây chính là nền tảng cho việc hình thành một xã hội học tập. Ngoài ra, vai trò của công nghệ trong giáo dục cần được khai thác một cách chiến lược và nhân văn hơn. Mặc dù công nghệ có khả năng cá nhân hóa quá trình học tập, nhưng điều quan trọng là không để công nghệ làm mờ đi giá trị của tương tác con người trong giáo dục.
Bên cạnh đó, việc nâng cao vai trò của giáo viên là yếu tố không thể thiếu trong quá trình đổi mới giáo dục. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người dẫn dắt, truyền cảm hứng, và hỗ trợ sự phát triển cá nhân của học sinh. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục hiện tại vẫn còn nhiều hạn chế trong việc đào tạo và hỗ trợ giáo viên. Một chiến lược đào tạo toàn diện, liên tục và hỗ trợ về mặt tinh thần và chuyên môn cho giáo viên sẽ là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện thành công các cải cách giáo dục.
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/ap-luc-hoc-tap-lon-dang-tro-thanh-van-de-noi-com-post1135052.vov