Những năm gần đây, tỉnh Bình Định mong muốn như các tỉnh ở phía Bắc phát triển du lịch canh nông ở các khu vực miền núi, qua đó giúp đời sống người dân ngày càng được phát triển dựa trên lợi thế sẵn có từ nông nghiệp.
Ca Organic Farm của anh Võ Vinh Ca ở thôn Kinh Tế, xã Canh Vinh, được xây dựng ở vùng miền núi huyện Vân Canh. Ghé thăm trang trại tổng hợp Ca Organic Farm vào những ngày đầu tháng 11 trong tiết trời se lạnh, mưa phùn của mùa Đông, chúng tôi ấn tượng bởi không gian rộng thoáng mát gẫn gũi với thiên nhiên, hoa và nhiều cây xanh với đủ các loại rau, củ, quả, ao, hồ... cùng các loại gia súc, gia cầm, cá điêu hồng, cá trê theo chu trình khép kín từ trồng trọt, chăn nuôi đến bàn ăn và trải nghiệm quy trình “sống xanh, ăn sạch” với mô hình du lịch canh nông.
Nói về hướng phát triển du lịch canh nông tại trang trại, anh Võ Vinh Ca, chủ trang trại Ca Organic Farm chia sẻ: Cả diện tích Farm của tôi rộng 4ha và được UBND huyện Vân Canh cho thuê đất với thời hạn 50 năm. Khi bắt đầu phát triển mô hình, tôi đã nghĩ ngay đến việc phát triển du lịch cộng đồng và đối tượng tôi hướng đến đầu tiên là học sinh.
“Tôi muốn để các em được tìm hiểu về nông nghiệp một cách thực tế, được tự tay làm việc, tự tay lao động sản xuất, được hóa thân thành những người nông dân. Từ đó, tạo cảm giác thích thú và khơi dậy tinh thần tìm tòi học hỏi ở các em và hơn nữa là để du khách về Bình Định được dịp trải nghiệm du lịch nhà vườn khác biệt như thế nào”, anh Võ Vinh Ca chia sẻ thêm.
Thung lũng An Toàn, huyện An Lão được ví von là “cổng trời” của Bình Định. Farmstay Nẫu Ecovalley (thuộc HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn), là một trong bốn homestay ở “cổng trời’ An Toàn. Họ đang kết hợp với bà con bản địa để níu chân du khách bằng sự giản dị, thân thiện, không gian văn hóa đặc sắc.
Du khách nước ngoài trải nghiệm trồng cây dược liệu tại Farmstay Nẫu Ecovalley
Theo Anh Vũ Đức Hòa, Giám đốc Vận hành và Marketing HTX Nông dược và dịch vụ tổng hợp An Toàn, thung lũng An Toàn có tiềm năng rừng đặc dụng tự nhiên đa dạng, phong phú. Ở đây cũng là vùng đất có nhiều đặc sản nông và lâm nghiệp quý, nhưng chưa được nhiều người biết đến và việc thông thương ra bên ngoài còn hạn chế nên giá thành trở nên thấp hơn giá trị.
Nếu được kết nối với khách du lịch sẽ giúp đưa các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của bà con đồng bào Ba Na được đón nhận nhiều hơn, đem lại nguồn thu nhập tốt hơn cho người dân địa phương cũng như thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển hơn”.
Tạo ra nhiều cơ hội mới để phát triển
Bình Định định hướng phát triển du lịch nông nghiệp dựa vào tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm, mô hình, tour, tuyến du lịch nông nghiệp, nhất là đối với các địa phương phía Bắc và phía Tây của tỉnh. Đến nay, du lịch sinh thái cộng đồng gắn với nông nghiệp phát triển tại một số khu vực thu hút được khách du lịch như: Vườn hoa Anh Đào - Vĩnh Sơn thuộc huyện Vĩnh Thạnh, làng rau Thuận Nghĩa thuộc huyện Tây Sơn, Ca Farm Organic thuộc huyện Vân Canh; làng đồng bào, thung lũng ruộng bậc thang, đồi sim ở huyện An Lão…
Đánh giá về du lịch canh nông hướng đi mới ở các vùng miền núi Bình Định, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định cho rằng: Việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích cho cả nông nghiệp, du lịch, người dân vùng nông thôn và miền núi.
Sự kết hợp này có thể góp phần đa dạng hóa các hoạt động thương mại, giải quyết các vấn đề đầu ra nông sản. Cùng với đó, tour du lịch nông nghiệp còn hỗ trợ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân. Đặc biệt, vào những thời điểm mùa màng kém hoặc không phải vụ thu hoạch, sự có mặt của du khách sẽ giúp cải thiện thu nhập cho các hộ nông dân, đặc biệt người dân vùng cao.
Huyện trung du Hoài Ân xây dựng vườn chè Gò Loi để phát triển du lịch trải nghiệm cho du khách
Đồng thời, hỗ trợ duy trì và quảng bá đời sống nông thôn, nâng cao ý thức về phong tục tập quán cũng như bảo tồn các phương thức canh tác truyền thống của địa phương. Bên cạnh việc phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, còn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất.
Ông Trần Văn Thanh cũng kiến nghị, trong thời gian tới, để khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nông nghiệp, bên cạnh việc nâng cao nhận thức người dân về cách làm du lịch, các địa phương cũng chú trọng đầu tư hạ tầng giao thông nông thôn.
Ngoài ra, các chủ cơ sở làm du lịch nông nghiệp cũng đặc biệt cần nâng cao chất lượng dịch vụ, duy trì hình ảnh điểm đến và tạo động lực thu hút du khách trở lại một cách thường xuyên hơn, nên cần có các dịch vụ như du lịch về đêm, du lịch trải nghiệm...
Theo baovanhoa.vn
https://baovanhoa.vn/du-lich/du-lich-canh-nong-huong-di-moi-o-cac-vung-mien-nui-binh-dinh-111238.html