Hội chứng Lyell là hoại tử thượng bì nhiễm độc, là thể bệnh đặc biệt nặng của nhiễm độc da do dị ứng thuốc. Nếu không điều trị kịp thời có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
1. Nguyên nhân gây hội chứng Lyell
Hội chứng Lyell - hoại tử thượng bì nhiễm độc – thường do nhiễm độc thuốc, hội chứng Lyell (hay còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc) là một bệnh nằm trong nhóm dị ứng thuốc chậm, cũng là bệnh gây hậu quả nghiêm trọng nhất trong nhóm này, tính mạng người bệnh bị đe dọa.
Bệnh được đặc trưng bởi sự hoại tử ở lớp biểu bì (lớp trên cùng của da) và sau đó trợt loét vùng da này. Hoại tử gây ra bởi hiệu ứng độc hại của các chất gây dị ứng có trong cơ thể, dẫn đến xuất hiện các triệu chứng đặc trưng của bệnh.
Tiên lượng của bệnh rất nặng, tử vong chiếm tỉ lệ khá cao, theo thống kê ghi nhận ở Mỹ khoảng 35%, ở nước ta khoảng hơn 50%.
Nguyên nhân gây hội chứng Lyell phần lớn là do thuốc, một số do nhiễm khuẩn hoặc không rõ nguyên nhân.
Theo nghiên cứu do thuốc chiếm tới 77%, phần lớn gặp ở những người dùng trên 1 loại thuốc, có người dùng tới 4 - 5 loại thuốc khác nhau. Các nhóm thuốc hay gặp:
-
Thuốc kháng viêm không steroid (43%).
-
Sulphamid, nhất là sulphamid chậm (25%).
-
Thuốc chống co giật (10%).
-
Thuốc kháng sinh: Nhóm betalactam.
-
Các thuốc khác (kháng herpes, halloperidol, hydantoin, thuốc kháng lao).
-
Thuốc Đông y: Ngày càng gặp nhiều bệnh nhân dị ứng với các thuốc này.
Do nhiễm trùng: Một số trường hợp do nhiễm Mycoplasma Pneumoniae.
Các nguyên nhân khác hội chứng Lyell:
-
Do tiêm vaccine, huyết thanh.
-
Nhiễm trùng kèm theo bệnh dị ứng.
-
Do thải bỏ mảnh ghép.
-
Người bệnh đang điều trị quang tuyến.
-
Một số không rõ nguyên nhân, tự phát.
2. Triệu chứng của hội chứng Lyell
Bệnh thường gặp ở những bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc trước đó khoảng từ 1 đến 4 tuần, trung bình là 14 ngày.
Khởi đầu thường đột ngột nhưng có thể có những triệu chứng báo hiệu như: Sốt cao, mệt mỏi toàn thân, đau khớp, rát ở kết mạc, đau ở da trong một vài giờ cho đến một hoặc hai ngày, sau thì xuất hiện các ban đỏ ngoài da. Thương tổn thường là những đám đỏ, đôi khi trên các đám đỏ có những mụn nước liên kết lại thành đỏ da lan tỏa với các mảng trợt da rộng, chiếm trên 30% diện tích của cơ thể, có trường hợp nặng có thể trợt da toàn bộ cơ thể.
Ngoài tổn thương trên da, bệnh nhân còn có các tổn thương vùng kết mạc mắt có nguy cơ dẫn đến suy giảm thị lực, tổn thương niêm mạc môi, miệng, gây đau khiến bệnh nhân không ăn uống được dẫn tới cơ thể suy kiệt và niêm mạc vùng sinh dục.
Đồng thời khi tổn thương da trợt rộng như vậy sẽ dẫn tới các biểu hiện toàn thân nặng nề, thậm chí là nguy hiểm tính mạng như: Nhiễm trùng bội nhiễm gây sốt cao, mất nước điện giải, bệnh nhân nằm nhiều tăng nguy cơ viêm phổi bội nhiễm, tổn thương các cơ quan gan, thận do chất trung gian độc trong cơ thể.
Bệnh càng nặng khi mức độ trợt da càng rộng, bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh phối hợp, thể trạng suy kiệt, chăm sóc không tốt sẽ dẫn đến bội nhiễm… Trong các trường hợp này thì tính mạng của người bệnh bị đe dọa một cách nghiêm trọng

Hội chứng Lyell - hoại tử thượng bì nhiễm độc – thường do nhiễm độc thuốc.
3. Hội chứng Lyell có lây không?
Hội chứng Lyell hay còn gọi là bệnh hoại tử thượng bì nhiễm độc, là một bệnh nằm trong nhóm dị ứng thuốc, không phải là bệnh lây nhiễm nên không lây.
4. Phòng ngừa hội chứng Lyell
Khi bị bệnh cần đi khám và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý dùng thuốc.
Khi đã có tiền sử dị ứng thuốc cần có 1 quyển sổ theo dõi ghi lại các thuốc nghi ngờ hay đã biết chắc chắn là dị ứng. Khi bị bệnh cần dùng thuốc đợt sau cần phải thông báo cho bác sĩ và dược sĩ biết là đã từng bị dị ứng với loại thuốc này và mức độ nghiêm trọng.
5. Điều trị Hội chứng Lyell
Việc đầu tiên cần làm khi bị dị ứng thuốc là phải ngừng ngay các thuốc nghi ngờ, nếu không xác định được chính xác thì nên tạm dừng tất cả các thuốc đang uống và phải tới ngay cơ sở y tế để điều trị đặc biệt là những bệnh viện có khoa da liễu hay bệnh viện da liễu để được dùng thuốc và chăm sóc tốt nhất.
Việc ngừng thuốc nghi ngờ quyết định tới 50% khả năng điều trị thành công, còn lại là phần chăm sóc chống bội nhiễm và dinh dưỡng bồi phụ dịch nâng cao thể trạng.
Điều trị cụ thể
Chăm sóc tại chỗ: Cần điều trị tại phòng cấp cứu, vô khuẩn.
Chăm sóc da như điều trị người bệnh bỏng nặng.
Rửa các vùng da tổn thương hàng ngày bằng nước muối sinh lý, dung dịch thuốc tím loãng 1/5.000 - 1/10.000. Có thể đắp hoặc quấn băng gạc có tẩm thuốc kháng sinh hoặc vaselin.
Niêm mạc: Vệ sinh bằng nước muối sinh lý, bôi miệng bằng dung dịch glycerin borat, súc miệng bằng nước oxy già pha loãng 1,5%, bôi kamistad gel
Các thương tổn mắt: Tra thuốc mỡ kháng sinh, dầu vitamin A, bóc tách mi mắt tránh hiện tượng viêm, loét kết mạc, dính mi mắt, mù lòa.
Điều trị toàn thân
Chế độ ăn: Cần ăn lỏng, đủ dinh dưỡng, nhiều đạm, tốt nhất là sữa, cháo dinh dưỡng, ăn nhiều bữa, cần thiết có thể ăn qua sond.
Truyền đạm, plasma tươi.
Bồi phụ nước và điện giải.
Thuốc giảm đau.
Kháng Histamin.
Kháng sinh: Thường dùng kháng sinh phổ rộng, ít gây dị ứng như Clarithromycin, Azithromycin để chống nhiễm khuẩn da, phổi, nhiễm khuẩn huyết.
Thuốc Corticoid: Khi tổn thương da và toàn thân tiến triển tốt, có thể giảm nhanh liều để tránh các tai biến do thuốc.
Ngoài ra, cần điều trị các triệu chứng, biến chứng ở gan, thận, rối loạn nước và điện giải, các xuất huyết tiêu hóa, chít hẹp thực quản, âm đạo.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/hoi-chung-lyell-nguyen-nhan-bieu-hien-cach-dieu-tri-va-phong-benh-169250331101729871.htm