Cơ quan chức năng đã cảnh báo người dân tình trạng lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ chiếm đoạt tài sản lại tiếp tục tái diễn trong dịp cận Tết 2025.
Thời gian gần đây, các đối tượng lừa đảo sử dụng các chiêu trò, thủ đoạn tinh vi bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 giá rẻ để lừa khách hàng. Do đó, cơ quan chức năng và các hãng hàng không đã khuyến cáo người dân cần phải tỉnh táo, kiểm tra kỹ lưỡng thông tin trước khi thực hiện giao dịch.
Lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ qua mạng
Hãng Vietnam Airlines và cơ quan chức năng ghi nhận một số trường hợp các website, tổ chức, cá nhân tự xưng là đại lý của hãng. Cụ thể, một số trang web có tên miền giống, dễ gây nhầm lẫn cho khách hàng như sau: vietnamairslines.com; vietnamaairlines.com; vietnamairlinesvn.com; vemaybayvietnam.com. Các website này có tên địa chỉ, giao diện, mày sắc, logo được thiết kế tương tự website chính hãng của VNAs, vì vậy rất khó để phân biệt so với website chính hãng của Vietnam Airlines (https://www.vietnamairlines.com).
Thủ đoạn của đối tượng trên thường là mạo danh đại lý vé cấp 1 của Vietnam Airlines. Khi khách hàng làm các thủ tục mua vé bay sẽ nhận được gửi mã đặt chỗ để làm tin và khuyến cáo phải thanh toán tiền gấp nếu không sẽ bị hủy.
Sau khi nhận được tiền, đối tượng không xuất vé và ngắt liên lạc. Các giao dịch được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, khách sau khi thanh toán chỉ nhận được mã đặt chỗ chứ đại lý không xuất vé. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay làm thủ tục.
Ngoài ra, một số đối tượng gửi email hoặc tin nhắn thông báo rằng khách hàng đã “trúng thưởng” hoặc nhận ưu đãi vé máy bay. Khi khách hàng truy cập vào đường link đính kèm và cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ lấy cắp thông tin thẻ tín dụng hoặc yêu cầu thanh toán. Ngoài phương thức nêu trên, nhiều đối tượng lừa đảo sau khi nhận được tiền của khách vẫn tiến hành xuất vé nhưng sau đó lại hoàn vé (chịu mất phí hoàn vé) và chiếm phần lớn tiền vé người mua đã chi trả.
Đây không phải thủ đoạn lừa đảo mới, các năm trước đó mỗi dịp cận Tết lại rộ lên tình trạng lừa đảo mua vé máy bay giá rẻ. Phổ biến nhất là các trang mạng xã hội chào mời bán vé dịp Tết với giá thấp hơn so với thị trường chung, kèm theo ngày giờ bay thuận tiện để thu hút khách hàng.
Thậm chí, để tạo niềm tin, người đăng tải chào mời mua vé máy bay giá rẻ còn tự tạo ra các bức ảnh chụp giao dịch thành công. Tuy nhiên, khi người dùng chuyển tiền, các đối tượng sẽ chặn facebook, hoặc chặn liên lạc điện thoại, xóa toàn bộ dấu vết.
Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân khi có nhu cầu đặt mua vé máy bay, vé tàu,... cần thực hiện giao dịch thông qua website chính thống, ứng dụng di động hoặc trực tiếp tại phòng vé và đại lý chính thức của hãng.
Khách hàng mua vé bay trên website cần đặc biệt lưu ý truy cập đúng địa chỉ chính thức của hãng hoặc liên hệ trực tiếp với tổng đài nếu cần được giải đáp, hỗ trợ trực tiếp liên quan đến đặt chỗ, mua vé. Nếu nhận được những lời chào hàng về vé máy bay quá rẻ so với thông tin của hãng thì đừng vội đặt vé mà kiểm tra lại vì có thể đó chiêu trò của các đối tượng xấu với mục đích lừa đảo. Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc tải về những ứng dụng không rõ nguồn gốc để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài sản.
Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc báo cáo qua hệ thống Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn) để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo thẻ tín dụng, qua mặt xác thực sinh trắc học
Theo Công an tỉnh Long An, hiện nay xuất hiện các thủ đoạn lừa đảo, lạm dụng các giao dịch thanh toán trực tuyến. Cần có giải pháp để bảo vệ người dân trước các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi.
Các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, chào mời nâng hạn mức thẻ tín dụng, gọi điện lừa dối hoàn tiền cho người mở tài khoản, yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tiền tại ngân hàng, tội phạm công nghệ còn dùng các thủ đoạn để lách xác thực sinh trắc học. Nhiều người dùng ứng dụng giả mạo với mục đích xấu cũng trở thành người bị hại trong các vụ lừa đảo. Xuất hiện nhiều bẫy lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua giao dịch ngân hàng.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước những cuộc gọi tự xưng là nhân viên ngân hàng hỗ trợ online. Tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn, cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc mã OTP, mã CVV (là viết tắt của từ Card Verification Value, là một dãy số gồm 3 chữ số được in trực tiếp trên mặt sau của thẻ visa) cho đối tượng lạ.
Lưu ý rằng ngân hàng sẽ không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mã này. Không truy cập vào đường dẫn lạ hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc; chỉ tải về những ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng uy tín để tránh bị chiếm quyền điều khiển thiết bị hoặc đánh cắp thông tin. Không nhập thông tin thẻ tín dụng trên các website lạ hoặc những trang mà người dùng chưa từng giao dịch.
Nếu nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.
Cục An toàn thông tin cũng cảnh báo tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi tư vấn mua bán thuốc chữa bệnh.
Cụ thể thời gian vừa qua, một người phụ nữ ở tỉnh Thái Bình đã bị lừa hơn 200 triệu đồng khi tin lời hai đối tượng tư vấn bán thuốc hứa hẹn giúp mua bảo hiểm để được nhận tiền hàng tháng,
Tại cơ quan công an, 2 đối tượng lừa đảo khai nhận, do không có tiền chi tiêu cá nhân, các đối tượng đã tìm thông tin của những người bệnh để gọi điện làm quen, tìm hiểu và tư vấn bán thuốc.
Nếu thấy bị hại là người nhẹ dạ cả tin thì các đối tượng sẽ nói chuyện tạo niềm tin nhằm dụ dỗ, hứa hẹn giúp bị hại mua bảo hiểm để được nhận tiền hàng tháng. Với thủ đoạn trên, các đối tượng đã chiếm đoạt của bà M tổng số tiền trên 200 triệu đồng.
Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo này là hoạt động theo hội nhóm, đồng thời tạo lập các tài khoản mạng xã hội ảo, đăng bài quảng cáo về các loại thuốc "thần dược" với giá cao. Trong đó, nhiều trang không có địa chỉ liên hệ, chỉ có số điện thoại để tư vấn.
Bên cạnh những đối tượng tự xưng là "nhân viên tư vấn", sẽ có đối tượng khác có nhiệm vụ giả danh bác sĩ tại các bệnh viện Trung ương để chẩn đoán và cấp thuốc.
Tinh vi hơn, các nhóm đối tượng này còn thực hiện chiêu trò "giảm giá" cho người già, người nghèo, người bệnh nặng, nhằm đánh vào tâm lý thích khuyến mãi của một số bộ phận người tiêu dùng. Nếu nhận thấy nạn nhân là người nhẹ dạ cả tin, đối tượng còn dẫn dụ mua bảo hiểm với những ưu đãi và chính sách siêu hấp dẫn để chiếm đoạt tài sản nạn nhân hàng tháng.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần thận trọng trước các thông tin được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, thực hiện kiểm tra tính xác thực của thông tin hoặc đối tượng thông qua những trang thông tin chính thống. Không tham gia vào các hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, đặc biệt là các dịch vụ liên quan đến tư vấn khám chữa bệnh trực tuyến hoặc bán thuốc đặc trị. Không thực hiện mua bán các loại thuốc không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm chứng, hay giao dịch với các đối tượng không rõ danh tính.
Trong trường hợp không thể đến trực tiếp khám chữa bệnh, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng. Ngoài ra, nếu không có đủ sự hiểu biết về bảo hiểm, người dân tuyệt đối không tham gia mua bán bảo hiểm trên mạng xã hội để tránh bị chiếm đoạt tài sản hoặc bị đánh cắp thông tin cá nhân./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/tai-dien-tinh-trang-lua-dao-mua-ve-may-bay-tet-de-chiem-doat-tai-san-post994072.vnp