Cập nhật: 18/11/2024 15:30:00
Xem cỡ chữ

Sở Nội vụ hướng dẫn tổ chức bầu, cho thôi làm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố (sau đây gọi tắt là Trưởng thôn) và lựa chọn Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố (sau đây gọi tắt là Phó Trưởng thôn) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, như sau:

I. Nguyên tắc chung

1. Việc tổ chức bầu Trưởng thôn phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tổ chức thực hiện; phải thật sự dân chủ, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của Nhân dân, bảo đảm quyền của Nhân dân được biết, tham gia ý kiến, quyết định, thực hiện và giám sát theo quy định; lựa chọn những người có uy tín, đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn để tham gia ứng cử Trưởng thôn.

2. Việc tổ chức bầu Trưởng thôn phải đảm bảo trật tự, kỷ cương, đúng quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm các hành vi trái với quy định về dân chủ cơ sở hoặc lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, bao che, cản trở, trù dập người khiếu nại, kiến nghị các vấn đề liên quan đến công tác bầu Trưởng thôn.

II. Tiêu chuẩn Trưởng thôn, Phó Trưởng thôn (Điều 11 Thông tư số 04/2012/TT-BNV)

- Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và Phó Trưởng thôn, Tổ phó tổ dân phố phải là người có hộ khẩu thường trú và cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn); đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe, nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm trong công tác; có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm; bản thân và gia đình gương mẫu thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; có kiến thức văn hóa, năng lực, kinh nghiệm và phương pháp vận động, tổ chức nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng dân cư và công việc cấp trên giao.

- Đối với Trưởng thôn: Phấn đấu đến năm 2025, 100% Trưởng thôn là đảng viên theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 22/9/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên giai đoạn 2021-2025.

III. Quy trình bầu Trưởng thôn

1. Công tác chuẩn bị bầu Trưởng thôn (Điều 6 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP)

1.1. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã (Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP)

a) Ban hành quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn; chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn nghiệp vụ và tổ chức triển khai kế hoạch chậm nhất 20 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn;

b) Chậm nhất 10 ngày trước ngày bầu Trưởng thôn phải ban hành Quyết định thành lập Tổ bầu cử sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Tổ bầu cử gồm: Đại diện Ban công tác Mặt trận ở thôn làm Tổ trưởng; thành viên là đại diện các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội và đại diện hộ gia đình ở thôn (không phải là người ứng cử Trưởng thôn). Chú ý lựa chọn những người có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, được nhân dân tín nhiệm, hiểu biết pháp luật và có kinh nghiệm làm công tác bầu Trưởng thôn.

Quyết định tổ chức bầu Trưởng thôn và Quyết định thành lập Tổ bầu cử phải được thông báo đến nhân dân ở thôn, niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn và thông báo trên hệ thống truyền thanh hoặc bằng hình thức khác phù hợp với điều kiện của địa phương chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu Trưởng thôn.

1.2. Trách nhiệm của Trưởng Ban Công tác Mặt trận ở thôn (Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP): Lập danh sách những người ứng cử theo mẫu số 7 kèm theo.

Trưởng ban công tác Mặt trận tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn để dự kiến danh sách người ứng cử Trưởng thôn đảm bảo tiêu chuẩn; báo cáo cấp ủy chi bộ để thống nhất giới thiệu ít nhất 01 người ra ứng cử Trưởng thôn; tổ chức cuộc họp Ban công tác Mặt trận ở thôn sau khi có ý kiến của chi ủy chi bộ để quyết định danh sách những người ứng cử (ít nhất 01 người).

Nội dung cuộc họp phải được lập thành biên bản (theo mẫu số 05) và gửi tới UBND cấp xã chậm nhất 15 ngày trước ngày tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn.

1.3. Lập danh sách hộ gia đình: Do Trưởng thôn lập theo địa bàn thôn (theo mẫu số 06).

Danh sách hộ gia đình được niêm yết tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn chậm nhất 07 ngày trước ngày bầu Trưởng thôn. Tổng số hộ gia đình theo danh sách niêm yết là cơ sở để thống kê số hộ dân tham gia cuộc họp, bỏ phiếu bầu Trưởng thôn và tỷ lệ biểu quyết.

1.4. Thông tin về ngày bầu Trưởng thôn (theo mẫu số 01 kèm theo) phải được thông báo đến thành phần tham dự ít nhất 02 ngày trước khi tổ chức bằng một trong các hình thức sau: Giấy mời, thông báo trực tiếp đến từng hộ gia đình, qua hệ thống truyền thanh của thôn, điện thoại, các ứng dụng mạng xã hội hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật do thôn thống nhất thiết lập và được niêm yết công khai tại nhà văn hóa, các điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn (khoản 3 Điều 3 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP).

1.5. Thời gian bầu Trưởng thôn: Căn cứ khoản 6 Điều 1 Quyết định số 41/2024/QĐ-UBND điều chỉnh nhiệm kỳ của Trưởng thôn theo nhiệm kỳ đại hội Chi bộ. Việc tổ chức bầu Trưởng thôn phải xong trước ngày đại hội Chi bộ, sớm nhất trước 60 ngày, chậm nhất trước 30 ngày.

- Chủ tịch UBND cấp xã xác định thời gian tổ chức bầu Trưởng thôn đảm bảo thuận lợi, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để người dân tham gia đầy đủ.

2. Tiến hành bầu Trưởng thôn:

- Tổ trưởng Tổ bầu cử triệu tập và chủ trì cuộc họp của cộng đồng dân cư để bầu Trưởng thôn.

- Cuộc họp bầu Trưởng thôn được tổ chức khi có trên 50% đại diện hộ gia đình trong thôn tham dự. Đại diện hộ gia đình là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có khả năng đại diện được cho các thành viên hộ gia đình.

Trường hợp đã triệu tập cuộc họp để tổ chức bầu Trưởng thôn nhưng đến thời gian quy định không có đủ trên 50% đại diện hộ gia đình tham dự thì có 02 hình thức xử lý, gồm: (1) Tiếp tục tổ chức cuộc họp khác để bầu Trưởng thôn; (2) Phát phiếu lấy ý kiến đến từng hộ gia đình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 19 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (Tổ chức phát phiếu lấy ý kiến của hộ gia đình để nhân dân bàn và quyết định thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP).

- Người trúng cử Trưởng thôn khi có trên 50% tổng số đại diện hộ gia đình trong thôn tán thành.

Ngoài các nội dung trên, việc tổ chức bầu Trưởng thôn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ.

3. Công nhận kết quả bầu Trưởng thôn (Điều 8 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP)

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định (được thể hiện bằng văn bản dưới hình thức nghị quyết, biên bản cuộc họp, bản ghi nhớ, bản thỏa thuận của cộng đồng dân cư theo khoản 1 Điều 20 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở) đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, UBND cấp xã xem xét, quyết định công nhận người trúng cử Trưởng thôn; trường hợp không ban hành quyết định công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trưởng thôn chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của UBND cấp xã.

4. Tổ chức bầu lại Trưởng thôn

Trường hợp không xác định được người trúng cử thì Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, ban hành quyết định tổ chức bầu lại Trưởng thôn.

Ngày bầu cử lại do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định, nhưng chậm nhất không quá 15 ngày kể từ ngày tổ chức bầu Trưởng thôn lần đầu.

Nếu tổ chức bầu lại mà vẫn không bầu được Trưởng thôn thì UBND cấp xã quyết định cử Trưởng thôn lâm thời để điều hành hoạt động của thôn cho đến khi bầu được Trưởng thôn mới.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày Chủ tịch UBND cấp xã quyết định cử Trưởng thôn lâm thời phải tổ chức bầu Trưởng thôn mới.

IV. Quy trình cho thôi làm Trưởng thôn (Thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP)

1. Việc cho thôi làm Trưởng thôn được quyết định tại cuộc họp của cộng đồng dân cư đối với các trường hợp:

a) Người xin thôi làm Trưởng thôn vì lí do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác theo nguyện vọng cá nhân có đơn gửi Chủ tịch UBND cấp xã nêu rõ lí do xin thôi.

b) Trưởng ban công tác Mặt trận ở thôn đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã xem xét cho thôi trong trường hợp Trưởng thôn không còn được nhân dân tín nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân, tham nhũng, lãng phí, không phục tùng sự chỉ đạo điều hành của UBND cấp xã, các quy định của cấp trên, vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc khi có ít nhất 50% tổng số hộ gia đình hoặc đại diện hộ gia đình trong thôn kiến nghị.

2. Trình tự tổ chức cuộc họp của cộng đồng dân cư để cho thôi làm Trưởng thôn thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 59/2023/NĐ-CP.

3. Công nhận kết quả cho thôi làm Trưởng thôn

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đã được cộng đồng dân cư biểu quyết thông qua, UBND cấp xã xem xét, ra quyết định công nhận kết quả cho thôi làm Trưởng thôn. Trường hợp không ban hành quyết định công nhận kết quả cho thôi làm Trưởng thôn thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Trường hợp cuộc họp không thống nhất được việc cho thôi làm Trưởng thôn thì UBND cấp xã xem xét, quyết định sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã.

Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định công nhận cho thôi làm Trưởng thôn, UBND cấp xã quyết định việc tiến hành bầu Trưởng thôn mới.

Trong thời gian khuyết Trưởng thôn, UBND cấp xã thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã quyết định cử Trưởng thôn lâm thời để điều hành hoạt động của thôn cho đến khi bầu được Trưởng thôn mới.

V. Lựa chọn Phó Trưởng thôn

1. Điều kiện được bố trí Phó Trưởng thôn:

Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định số 41/2024/QĐ-UBND ngày 04/9/2024 của UBND tỉnh, cụ thể: Đối với thôn, tổ dân phố loại I, trường hợp cần thiết thì có 01 Phó Trưởng thôn hoặc 01 Phó tổ trưởng tổ dân phố.

2. Hình thức lựa chọn

Phó Trưởng thôn do Trưởng thôn lựa chọn sau khi lấy ý kiến thống nhất của cấp ủy chi bộ thôn và Trưởng Ban công tác mặt trận thôn. Trưởng thôn báo cáo UBND cấp xã quyết định công nhận Phó Trưởng thôn.

3. Nhiệm kỳ của Phó Trưởng thôn (khoản 9 Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BNV): Nhiệm kỳ của Phó Trưởng thôn được thực hiện theo nhiệm kỳ của Trưởng thôn.

4. Công nhận Phó Trưởng thôn:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng thôn về lựa chọn nhân sự Phó Trưởng thôn, UBND cấp xã quyết định công nhận Phó Trưởng thôn. Trường hợp không ban hành quyết định công nhận thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do cho Trưởng thôn được biết, lựa chọn đề xuất nhân sự phù hợp.

Phó Trưởng thôn chính thức hoạt động khi có quyết định công nhận của UBND cấp xã.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan, UBND cấp xã tổ chức bầu Trưởng thôn đảm bảo đúng theo quy định.

2. Chậm nhất 10 ngày sau ngày kết thúc bầu Trưởng thôn ở các xã, phường, thị trấn, UBND các huyện, thành phố tổng hợp tình hình và báo cáo kết quả về Sở Nội vụ (theo Mẫu số 8) để tổng hợp báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các địa phương có văn bản phản ánh về Sở Nội vụ để được xem xét, hướng dẫn, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.

NS