Nấm miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ dưới 1 tuổi. Đây là tình trạng lưỡi của trẻ xuất hiện những đốm trắng, ban đầu chỉ ở đầu lưỡi, sau đó lan rộng khắp khoang miệng. Khi bị nấm miệng sẽ khiến trẻ bị mất vị giác, bỏ ăn và quấy khóc.
Điều trị nấm miệng bằng thuốc cam, bé trai phải lọc máu, thở máy
Một bé trai gần 2 tuổi phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch, vật vã, kích thích, sốt cao, tinh thần lơ mơ, không tỉnh táo.
Sau khi được các bác sĩ tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) thăm khám và khai thác tiền sử, gia đình cho biết: Bé bị nấm miệng nên đã mua thuốc cam để đánh tưa lưỡi trong suốt 7 ngày.
Kết quả bé xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng bao gồm sốc nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa nặng và phải cấp cứu khẩn cấp.
Bé được sơ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, đặt ống nội khí quản, thở máy và chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây bé tiếp tục được thở máy, lọc máu nhưng tình trạng vẫn rất nguy kịch.
Nguyên nhân gây bệnh nấm miệng ở trẻ
Nấm miệng hay còn gọi là nấm lưỡi, tưa lưỡi, nguyên nhân chính gây nấm miệng cho trẻ nhỏ do sự phát triển quá mức của nấm Candida Albicans.
Trong đó, một số nguyên nhân thuận lợi làm tăng nguy cơ mắc nấm miệng cho trẻ có thể kể đến như:
-
Trẻ không được vệ sinh răng miệng đúng cách.
-
Trẻ thường xuyên ngậm ti giả, núm ti hay các vật dụng không đảm bảo vệ sinh.
-
Mẹ trong giai đoạn mang thai bị nhiễm nấm sinh dục có thể lây nhiễm cho trẻ trong quá trình sinh thường.
-
Trong một số trường hợp cha mẹ cho trẻ sử dụng thuốc kháng sinh sai cách khiến mất cân bằng vi sinh, tạo điều kiện cho nấm miệng phát triển nhanh và gây bệnh.
Với trẻ nhỏ do sức đề kháng và hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên có nguy cơ nhiễm nấm cao hơn so với bình thường, nhất là với trẻ nhỏ sinh non, thiếu cân hoặc bị suy dinh dưỡng...
Nấm miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
Dấu hiệu của bệnh nấm miệng
Thường nấm miệng không gây đau đớn mà chỉ ngứa ngáy, nhưng cũng khiến trẻ khó chịu và gặp khó khăn hơn trong sinh hoạt ăn uống. Một số dấu hiệu nhận biết nấm miệng điển hình:
-
Lưỡi, miệng của trẻ xuất hiện các đốm trắng nhỏ. Đốm trắng này có thể xuất hiện cả ở vòm họng, môi, hai bên trong má.
-
Đốm trắng khó làm sạch, nếu làm sạch sẽ thấy đốm chuyển thành màu đỏ.
-
Ngoài ra, trẻ có thể có các dấu hiệu khác như bỏ bú, lười ăn, quấy khóc, không chịu cho vệ sinh miệng... Nếu không được điều trị kịp thời, nấm miệng sẽ lan rộng ra vùng khác như thực quản, khí quản, từ đó gây viêm phổi hoặc tiêu chảy cho trẻ.
Điều trị nấm miệng cho trẻ
Trong trường hợp trẻ bị nấm miệng ở mức độ nhẹ, cha mẹ có thể tiến hành điều trị tại nhà bằng cách cho trẻ súc miệng hàng ngày với nước muối hoặc dung dịch lodo povidine 1%. Cũng có thể tẩm dung dịch vào khăn gạc sạch để lau lưỡi cho trẻ.
Nấm miệng dễ tái phát và trở nặng khi không được phát hiện và điều trị đúng cách, do đó cha mẹ vẫn nên nhanh chóng đưa trẻ đi thăm khám tại các cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu của bệnh.
Trong đó cách điều trị nấm miệng ở trẻ được chỉ định phổ biến nhất hiện nay là sử dụng 2 loại thuốc sau: Thuốc dạng gel Miconazole dùng để tiêu diệt các tế bào nấm ở bên trong miệng. Thuốc được sử dụng bằng cách thoa trực tiếp lên mảng nấm. Thuốc Nystatin có dạng viên uống hoặc dạng bột dùng để tưa miệng. Loại thuốc này thường được sử dụng khi trẻ không tương thích với việc sử dụng Miconazole.
Khi sử dụng thuốc điều trị nấm miệng cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý tới những vấn đề sau:
Không tự ý sử dụng các loại thuốc điều trị khi không có sự tư vấn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên thông báo với bác sĩ về các loại thuốc mà trẻ đang sử dụng.
Tuyệt đối không được cậy các mảng nấm trong quá trình điều trị, điều này có thể khiến vùng niêm mạc lưỡi bị tổn thương nghiêm trọng. Thay vào đó cha mẹ nên tưa lưỡi cho trẻ để làm sạch cách vùng mảng trắng.
Trong trường hợp sử dụng thuốc bôi diệt nấm, cha mẹ cần tuân thủ chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng theo một lượng vừa phải để tránh tình trạng tắc nghẽn ở cổ họng làm trẻ bị ngạt thở. Không cho trẻ ăn uống hay bú trong vòng 20 phút sau khi sử dụng thuốc.
Nấm miệng có thể tái phát ngay cả khi đã hết triệu chứng, do đó cha mẹ nên sử dụng thuốc cho trẻ trong ít nhất là 2 ngày tiếp theo.
Tóm lại: Bệnh nấm miệng tuy không quá nguy hiểm nhưng về lâu dài có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì thế khi thấy dấu hiệu của bệnh nấm miệng cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được tư vấn cụ thể. Cần thực hiện vệ sinh miệng cho trẻ sạch sẽ, thực hiện các bước điều trị bệnh, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc, không dùng thuốc theo mách bảo, nếu không thuyên giảm có thể đưa trẻ đi khám lại.
Theo suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/cach-chua-nam-mieng-o-tre-hieu-qua-16924111816294696.htm