Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội diễn ra phức tạp, với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi, đã có nhiều trường hợp bị lừa đảo mất số tiền rất lớn. Mặc dù các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, song nhiều người dân vẫn bị sập bẫy.
Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ việc với các hình thức như giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án gọi điện lừa đảo; lừa đảo tuyển cộng tác viên online; lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice; lừa đảo “combo du lịch giá rẻ”; lừa đảo tình cảm; các vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, thanh toán điện tử; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo bằng hình thức làm giả hóa đơn chuyển tiền thành công của các ngân hàng; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp; giả danh các công ty tài chính, ngân hàng... Từ đầu năm đến nay, lực lượng công an tỉnh đã phát hiện 107 vụ việc, tăng 14 vụ việc so với năm 2023.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Trong thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục tăng cường nắm tình hình, nhận diện phương thức hoạt động để kịp thời tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, đồng thời tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh phù hợp với loại tội phạm này. Song, quan trọng nhất, người dân cần chủ động, tỉnh táo trước những chiêu trò, thủ đoạn mà đối tượng thường hay sử dụng để không bị sập bẫy. Khi phát hiện dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết kịp thời, tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Kim Liên