15 năm qua, Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) trở thành điểm đến quen thuộc, nơi dạy chữ Hán Nôm, thư pháp cho nhiều người dân trong tỉnh.
Đây không chỉ là nơi giao lưu, học hỏi của những người đam mê chữ Hán Nôm mà còn là nơi lan tỏa tình yêu chữ viết, khẳng định giá trị văn hóa của dân tộc.
Đều đặn thứ 5 hàng tuần, ông Phạm Văn Sính (xóm 8, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường) vượt quãng đường dài 18 km đến địa điểm Nhà lưu niệm-Khu trưng bày Anh hùng liệt sỹ Vũ Văn Hiếu (xã Hải Anh, huyện Hải Hậu) để học chữ Hán Nôm. Hơn 3 năm, không quản mưa nắng, ông cùng những học viên ở đây chăm chỉ đến lớp, nắn nót từng nét chữ dù đôi tay không còn nhanh nhẹn, mắt không còn tinh anh.
Ông Sính cho biết, ông theo học chữ Hán Nôm với mong muốn hiểu được những chữ cổ ở đôi hoành phi, câu đối tại các chùa, miếu. Từ việc biết nghĩa chữ, ông hiểu hơn về những điều tổ tiên răn dạy, từ đó thấm nhuần và bảo ban con cháu trong nhà.
Mỗi khóa học chữ Hán Nôm của Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh luôn duy trì từ 10 - 20 học viên, kéo dài khoảng 3 năm. Học viên được học các nội dung như: Tam tự kinh, Tam tự văn, Khải đồng khuyết ước, Ngũ ngôn nhi, Minh tâm bảo giám, Hán học nhập môn, Hán học phần 2, Hán học nâng cao, Văn thư trong và ngoài nước. Sau khi học xong, mỗi học viên đảm bảo hiểu được cách niêm luật, cách viết, ý nghĩa các hoành phi, câu đối cổ trong các nơi thờ tự; đồng thời biết viết văn, sớ cúng tế thần thánh, tổ tiên…
Dạy viết chữ Hán, Nôm tại Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Những học viên sau khi học xong khóa học Hán Nôm có đam mê tiếp tục được câu lạc bộ dạy viết thư pháp. Những người dạy viết thư pháp ở đây là những cụ cao niên có kinh nghiệm, nhiều năm được mời đi trình diễn thư pháp vào những dịp lễ lớn ở những địa điểm nổi tiếng như Văn Miếu Quốc tử giám, đền Trần… Tổ thư pháp của câu lạc bộ hiện có 19 học viên theo học. Ngoài việc thường xuyên luyện tập, thực hành, câu lạc bộ còn tổ chức các buổi giao lưu với các câu lạc bộ thư pháp trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giúp học viên được thể hiện cũng như có thêm kinh nghiệm viết chữ thư pháp.
Là học viên nữ duy nhất của câu lạc bộ, bà Nguyễn Thị Thu (xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu) cho biết, bà đã học xong khóa học Hán Nôm và hiện đang luyện viết chữ thư pháp. Với người bình thường học chữ đã khó, vừa có tuổi lại là phụ nữ việc học lại càng khó hơn. Tuy nhiên, nếu chăm chỉ luyện tập, ghi nhớ quy tắc và phương pháp thì việc học sẽ còn không khó. Luyện và học chữ Hán Nôm, bà nhận thấy chữ viết của ông cha thâm thúy, đẹp nét, đẹp nghĩa từ đó càng say mê học hơn.
15 năm qua, Nhà lưu niệm-Khu trưng bày Anh hùng liệt sỹ Vũ Văn Hiếu trở thành nơi gặp gỡ, hội tụ của những lão niên ham học trong và ngoài huyện Hải Hậu. Dù cách xa hàng chục cây số, tuổi tác chênh lệch nhưng mọi người đều quy tụ về đây với chung khao khát học chữ, mong muốn hiểu và làm chủ được nét chữ để rồi; từ đó truyền dạy, chỉ bảo cho con cháu cái đẹp của chữ, ý nghĩa đạo đức thâm sâu sau mỗi chữ cha ông để lại.
Năm nay đã 70 tuổi, ông Tống Văn Viện (xã Hải Nam, huyện Hải Hậu) - một trong những học viên cao tuổi của câu lạc bộ chia sẻ, việc học chữ Hán Nôm giúp mọi người tu dưỡng sự điềm tĩnh, tác phong và cẩn trọng trong ứng xử. Nét đẹp của chữ nghĩa cho ta thấy giá trị chân - thiện - mỹ, giúp bản thân con người hoàn thiện hơn.
Học viên Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh (Hải Hậu, Nam Định) trao đổi về chữ Hán, Nôm.
Là người đồng hành cùng câu lạc bộ từ những ngày đầu thành lập và là một trong những giáo viên dạy chữ Hán Nôm lâu năm, ông Nguyễn Thanh Tiêu, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hán Nôm Quần Anh, chia sẻ, năm 2002, khóa học chữ Hán Nôm đầu tiên được khai giảng. Đến năm 2009, câu lạc bộ được thành lập. Hiện Câu lạc bộ có hơn 120 hội viên tham gia. Để thuận tiện cho việc sinh hoạt của hội viên, câu lạc bộ thành lập các tổ khác nhau như: Tổ sưu tầm, phiên dịch, giải mã các tư liệu về Hán Nôm; Tổ nghiên cứu, sưu tập, phổ biến khoa học cổ… Từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ đã đã mở 14 lớp với hơn 250 học viên được cấp chứng chỉ. Không chỉ là nơi học tập, câu lạc bộ còn là điểm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và lan tỏa đam mê, tự hào về truyền thống dân tộc.
Theo ông Tiêu, chữ Hán Nôm giúp mọi người không chỉ rèn tâm mà còn gợi nhớ về cội nguồn để hiểu sâu hơn về bản sắc dân tộc. Từ đó thấy được mối quan hệ nhân sinh, lối sống văn hóa, tạo nền tảng sinh ra những người trọng đạo, hiếu học, giữ gìn văn hóa vì sự trường tồn của quốc gia, dân tộc bởi “văn hóa còn thì dân tộc còn...”.
Thực tế cho thấy, những người am hiểu về chữ Hán Nôm ngày nay tuổi đời đã cao. Trong khi đó, những người trẻ đam mê chữ viết này lại không nhiều. Việc thành lập và duy trì các câu lạc bộ chữ Hán Nôm ở các khu dân cư, thôn, xóm là cách để người dân gìn giữ và lan tỏa niềm tự hào dân tộc, nét đẹp văn hóa cho thế hệ trẻ. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của các câu lạc bộ này cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền. Từ đó, đưa việc học chữ Hán Nôm thành phong trào sâu rộng, khích lệ, động viên nhân dân gìn giữ chữ viết nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung.
Theo Bài và ảnh: Nguyễn Lành (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-hoa/noi-hoi-tu-cua-nhung-nguoi-me-chu-han-nom-20241211081735389.htm