Ngày 22/12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM công bố hơn 100 ca mổ u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não đầu tiên thành công bằng Robot AI. Kỹ thuật này được Bộ Y tế cấp phép triển khai.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu công nghệ Robot AI mổ não và tủy sống hiện đại này. Trên thế giới chỉ có 14 nước sử dụng, đa phần ở các quốc gia phát triển.
Tọa đàm công bố hơn 100 ca mổ u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não đầu tiên thành công tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Thầy thuốc ưu tú (TTƯT).ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết Robot AI đã giúp nhiều người bệnh hồi sinh với cuộc sống mới. Tại tọa đàm, ông chia sẻ vô cùng tự hào và xúc động khi nhìn thấy những hình ảnh người bệnh đã khỏe mạnh, đi lại sinh hoạt bình thường.
Thậm chí, ông không thể hình dung đó chính là những người bệnh trong những ca mổ lịch sử mà ông và ê kip tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đã thực hiện bằng Robot AI trong một năm qua. Trong đó, có những ca bệnh u não, u tủy sống, đột quỵ xuất huyết não mà ông và ekip chắc sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời của mình bởi những giây phút vô cùng gian nguy để giành lại sự sống cho họ.
Điển hình gần đây nhất là ca bệnh của em Khánh Linh (Nghệ An). Em Linh nhập viện trong tình trạng đau đớn, chân trái yếu, gần như không thể đi lại. Hai khối bướu lớn, một trong ống sống, kích thước 10x5x3 cm và 4,5x1x1 cm, bướu còn lại ở cơ thắt lưng chậu có kích thước 10x12 cm nằm ở khoang sau phúc mạc, dưới thận, phía sau đại tràng, cạnh trái cột sống.
Ê kíp bác sĩ Khoa Phẫu thuật Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM đang phẫu thuật u tủy sống bằng Robot Modus V Synaptive. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Các khối bướu này chèn ép các dây thần kinh tủy sống, gây đau đớn và liệt hai chân. Bướu còn đẩy cơ thắt lưng chậu ra trước, đẩy thận bên trái ra sau, niệu quản, đại tràng cũng bị lệch. Nếu không nhanh chóng phẫu thuật lấy u, nguy cơ cao bệnh nhân liệt vĩnh viễn.
Ngay sau đó, Đơn vị Can thiệp mạch thuộc Trung tâm Chẩn đoán Hình ảnh và Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh nút mạch khối u trong 24 giờ. ThS.BS.CKII. Chu Tấn Sĩ và kíp phẫu thuật thần kinh với sự trợ giúp của Robot Modus V Synaptive, cùng với định vị, dẫn đường Navigation đã mở đường rạch ở sau lưng, bóc tách hết hai khối bướu ăn lan vào ống sống.
Sau 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã bóc tách và hút hết khối u. Sau mổ, triệu chứng tê, yếu chân của bệnh nhân cải thiện đáng kể. Linh có thể đi lại khi có người trợ giúp.
Một tuần sau em tiếp tục ca mổ lần 2 với Khoa Ngoại Lồng ngực - Tim mạch để lấy khối bướu ở khoang sau phúc mạc, dưới thận, cạnh ống sống. Sau 3 giờ mổ, các bác sĩ đã lấy toàn bộ bướu máu cho em. Sau mổ một ngày, Linh không còn đau tức bụng, ăn uống ngon miệng, được hướng dẫn tập vật lý trị liệu để khôi phục hoàn toàn chức năng đi lại. Một tuần sau em được xuất viện trong niềm vui của cả gia đình.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ hướng dẫn Linh đi lại sau ca mổ u tủy bằng Robot AI. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
TTƯT.ThS.BS.CKII. Chu Tấn Sĩ cho biết đây là một trong những ca bệnh rất khó, “bị trả về” và đến với Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tâm thế còn nước còn tát. Nhờ có Robot AI mổ não và tủy sống, nhiều người bệnh đã đi lại được sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, hoặc phục hồi thị lực sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn. Nhiều đứa trẻ thậm chí mới 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, không nói được, suy nghĩ loạn thần, cận kề cái chết, đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc vỡ òa của người thân.
“Chúng tôi thật sự xúc động khi chứng kiến những khoảnh khắc hồi sinh như vậy”, bác sĩ Tấn Sĩ nói.
Đây là những ca mổ mang dấu ấn lịch sử trong sự nghiệp của cá nhân ông và các đồng nghiệp khi đã đặt những dấu mốc quan trọng, gắn với robot ứng dụng công nghệ AI hiện đại hàng đầu thế giới, mở ra một “cuộc cách mạng” lạc quan cho cả bác sĩ lẫn người bệnh tại Việt Nam. Kỹ thuật mổ não và tủy sống bằng Robot AI cũng đã được Bộ Y tế cấp phép cho Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cả về việc điều trị và đào tạo cho các đơn vị khác trong lĩnh vực này.
Robot AI Modus V Synaptive trước mắt được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM ứng dụng trong điều trị 7 danh mục bệnh gồm: U não trên lều, U não dưới lều, U trong não thất, U não đường giữa, U não nền sọ, U trong ống sống, Xuất huyết não – não thất; và sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
Robot mổ não Al Modus V Synaptive tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM
Robot Modus V Synaptive sở hữu những công nghệ vượt trội so với kỹ thuật mổ não truyền thống. Hệ thống định vị hình ảnh 3D thông minh cho phép "hòa hình" MRI, CT, DSA… tạo ra hình ảnh 3D độ phân giải cao, giúp bác sĩ quan sát rõ ràng khối u, khối máu tụ và các cấu trúc não xung quanh. Hệ thống này còn cho phép bác sĩ thực hiện mô phỏng phẫu thuật, lựa chọn đường mổ tối ưu và an toàn nhất.
Cánh tay robot linh hoạt, di chuyển theo dụng cụ phẫu thuật hoặc giọng nói của bác sĩ, mở rộng phạm vi quan sát, tiếp cận những vị trí khó trước đây không thể thực hiện với kỹ thuật mổ não truyền thống. Đặc biệt, hệ thống "siêu mắt" cung cấp hình ảnh 3D trung thực, sắc nét theo thời gian thực, hỗ trợ bác sĩ tương tác bằng giọng nói và điều khiển robot thông qua trợ lý ảo.
Mổ não, tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật, trong khi chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ.
Theo CTV Hiền Ngân/VOV.VN
https://vov.vn/doanh-nghiep/doanh-nghiep-24h/robot-ai-duy-nhat-tai-viet-nam-mo-100-ca-nao-tuy-song-thanh-cong-post1143954.vov