Cập nhật: 23/12/2024 08:13:00
Xem cỡ chữ

Con gái tôi đang học lớp 6 của một trường công lập tại Hà Nội. Tuần đầu tháng 12-2024 vừa qua, lớp cháu tổ chức kiểm tra khảo sát học sinh giỏi môn Ngữ văn. Buổi chiều hôm đó, khác với mọi ngày háo hức sau giờ tan học ở trường, vừa về đến nhà, khuôn mặt cháu tỏ ra không vui, thậm chí có điều gì đó khá căng thẳng, lo lắng. Tôi hỏi con: “Hôm nay con có làm được bài khảo sát môn Ngữ văn không?”. Giọng cháu hơi buồn: “Đề khó quá bố ơi, con chỉ viết được chưa đầy một trang giấy”.

Tôi ân cần hỏi con: “Đề khó đến mức nào, có nội dung câu hỏi nào liên quan đến bài học trong sách giáo khoa con đang học không?”. Cháu đáp: “Hoàn toàn không, đề bài cô ra rất mới”.

Rồi cháu thuật lại, đề bài khảo sát đại ý như sau: Có chiếc xe máy, xe đạp, xe ba gác đang đi trên đường không chịu nhường nhịn nhau nên xảy ra va chạm nhẹ, rồi cả 3 dừng lại cãi vã, xích mích vì chiếc nào cũng cho mình là đúng. Em hãy tưởng tượng tình huống nêu trên rồi kể lại thành một câu chuyện, qua đó phê phán thái độ ích kỷ của mỗi chiếc xe.

Đề kiểm tra khơi gợi sự sáng tạo của học sinh

Ảnh minh họa: TTXVN

Sau khi con gái kể lại như vậy, tôi động viên cháu không phải lo lắng, được mấy điểm cũng được, miễn là bài văn do mình tự nghĩ, tự viết ra, không phải lệ thuộc vào văn bản có sẵn hay những bài văn mẫu.

Hơn một tuần sau đó, tôi được biết bài viết của con gái đạt 5 điểm. Giáo viên môn Ngữ văn cho hay, trong số 30 học sinh tham gia khảo sát của lớp, chỉ có 8 em đạt từ 7 đến 8 điểm (tỷ lệ 26,7%), 12 em đạt từ 5 đến dưới 7 điểm (tỷ lệ 40%), còn lại 10 em có điểm từ 3,5 đến dưới 5 điểm (tỷ lệ 33,3%). Kết quả này khiến nhiều phụ huynh không vui, nhưng phản ánh đúng năng lực của học sinh, sát với mục tiêu đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Được biết, từ năm 2025 trở đi, kết quả môn thi Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 công lập và thi tốt nghiệp THPT sẽ được đánh giá sát thực tế, phản ánh trung thực, khách quan, phù hợp với khả năng, năng lực của học sinh. Trong đó, phần thi viết nghị luận văn học với ngữ liệu mới, không có trong các văn bản đã học ở sách giáo khoa. Mỗi bài viết của học sinh là kết quả từ nhận thức, tư duy của chính các em, ý tứ, văn phong là của các em, chứ hoàn toàn không phải là những câu hỏi, đề bài nghị luận dạng “ăn theo” như từng xuất hiện trong các kỳ thi trước. 

Theo các chuyên gia giáo dục, trước áp lực của đổi mới căn bản môn Ngữ văn đòi hỏi giáo viên và học sinh phải nỗ lực đổi mới cả cách dạy, cách học mới có thể đáp ứng được yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Việc học sinh phải tự nghĩ, tự viết, tự làm văn có thể xuất hiện nhiều hơn những bài văn cụt ngủn, ý tứ nghèo nàn, thậm chí ngô nghê, buồn cười, nhưng tác dụng lớn nhất là các em phải suy nghĩ, diễn đạt bằng chính sự hiểu biết của mình, qua đó khắc phục được tình trạng nói, viết sáo rỗng. Ý nghĩa sâu sắc hơn là giáo dục học sinh coi trọng đức tính trung thực, ý thức dám nghĩ, dám sáng tạo, không “ăn theo, nói leo”, không đạo văn của người khác, nhờ đó cũng dần giảm được “cơn mưa điểm giỏi” và bệnh thành tích trong giáo dục.

Theo (Vietnam+)

https://www.qdnd.vn/giao-duc-khoa-hoc/cac-van-de/de-kiem-tra-khoi-goi-su-sang-tao-cua-hoc-sinh-808353