Cập nhật: 23/12/2024 15:45:00
Xem cỡ chữ

Các đối tượng đã truy cập bất hợp pháp tài khoản đăng nhập của hệ thống F1 của Công ty tài chính, chỉnh sửa thông tin, giải ngân cho 894 khách hàng với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Ngày 23/12, Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử 5 bị cáo Lê Văn Anh, Hà Duy Thắng, Đinh Thị Mai Chi, Trần Lê An Bình và Trần Thanh Tâm cùng về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.”

Bị hại trong vụ án là Công ty tài chính Trách nhiệm hữu hạn Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC, có trụ sở tại Quận 4.

Ngoài ra, còn có 726 người được xác định là có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị theo dõi thông tin, cập nhật diễn biến vụ án trên Trang thông tin điện tử của Tòa.

Quá trình điều tra xác định từ tháng 7-10/2020, các đối tượng ở Thành phố Hồ Chí Minh là Lê Văn Anh (33 tuổi, trú tại Quận 12), Trần Lê An Bình (32 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh), Hà Duy Thắng (32 tuổi, trú tại Quận 12), Trần Thanh Tâm (28 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh) và Đinh Thị Mai Chi (31 tuổi, trú tại tỉnh Đồng Nai) đã truy cập bất hợp pháp tài khoản đăng nhập của hệ thống F1 (Hệ thống nhập và lưu trữ dữ liệu hồ sơ vay của khách hàng) của Công ty tài chính.

Trước đó, bị cáo Lê Văn Anh từng làm việc cho Công ty OneClick, đảm nhận nhiệm vụ gọi điện thoại tư vấn cho khách hàng có nhu cầu vay, hỗ trợ khách làm thủ tục hồ sơ và gửi cho ngân hàng xét duyệt.

Do Công ty OneClick là cộng tác viên của nhiều ngân hàng chuyên hỗ trợ cho vay tín chấp nên thông qua quá trình làm việc, Văn Anh đã nắm rõ quy trình, thủ tục để ngân hàng xét duyệt hồ sơ vay tín chấp thông qua mạng Internet.

Khoảng đầu tháng 7/2020, Lê Văn Anh sử dụng bất hợp pháp tài khoản đăng nhập của hệ thống nhập và lưu trữ dữ liệu hồ sơ vay của khách hàng của Công ty tài chính.

Khi đăng nhập vào hệ thống, bị cáo tiếp cận dữ liệu khách hàng từng có hồ sơ vay ở Công ty tài chính, có lịch sử trả nợ tốt, đã ký hợp đồng điện tử, chờ được xét duyệt cấp hạn mức qua thẻ (tạm gọi là nhóm khách hàng A) và những khách hàng có hồ sơ không đủ điều kiện vay (nhóm khách hàng B).

Lê Văn Anh cũng phát hiện lỗ hổng bảo mật của hệ thống là có thể thay đổi thông tin hồ sơ vay của hai nhóm khách hàng. Từ đó, bị cáo nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền bằng cách chọn những khách hàng A và B có họ tên trùng nhau rồi đổi thông tin căn cước công dân, số điện thoại nhận mã OTP của nhóm khách A bằng thông tin của nhóm khách B trước thời điểm hệ thống phê duyệt hồ sơ.

Sau khi đổi thông tin khách vay, Văn Anh cung cấp danh sách đã thay đổi và hướng dẫn các đồng phạm giả mạo nhân viên Công ty tài chính gọi điện thoại cho khách hàng thuộc nhóm B, với nội dung một khoản vay của họ bị từ chối đã được phê duyệt, nếu khách có nhu cầu vay sẽ được hỗ trợ giải ngân nhưng phải chịu phí từ 16-19%.

Khi khách đồng ý, nhóm của Văn Anh hướng dẫn khách giải ngân bằng cách rút tiền mặt trên hệ thống thông qua các điểm chi hộ của Công ty tài chính.

Sau khi khách rút tiền mặt thành công, nhóm yêu cầu khách chuyển khoản tiền phí theo thỏa thuận trước đó.

Bằng thủ đoạn trên, các bị cáo đã chỉnh sửa thông tin, giải ngân cho 894 khách hàng với tổng số tiền hơn 29 tỷ đồng.

Số tiền các bị can chiếm đoạt được là 1,7 tỷ đồng. Đến nay, Công ty tài chính mới thu hồi được hơn 10 tỷ đồng, còn 18 tỷ đồng.

Phiên tòa dự kiến kết thúc vào ngày 25/12./.

Theo (TTXVN/Vietnam+)

https://www.vietnamplus.vn/xet-xu-vu-an-su-dung-mang-may-tinh-vien-thong-lua-dao-chiem-doat-hon-29-ty-dong-post1003678.vnp#google_vignette