Các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não... có nguy cơ tăng cao vào dịp Tết. Vậy người bệnh tim mạch cần có những lưu ý gì để đón Tết khỏe mạnh?
Bệnh lý về tim mạch là tên gọi chung cho các bệnh về tim và mạch máu, bao gồm các bệnh như: Bệnh động mạch vành, suy tim, rối loạn nhịp tim, huyết áp, nhồi máu cơ tim... Những ngày Tết khi chế độ sinh hoạt bị "đảo lộn" khiến nguy cơ gặp các biến chứng về tim mạch tăng lên, các trường hợp cấp cứu cũng tăng nhiều hơn vào dịp Tết, thậm chí thời gian sau Tết nhiều người đến khám bệnh với tình trạng nặng hơn. Người bệnh tim mạch cần có những lưu ý để tự chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân, đón Tết vui khỏe.
Tại sao nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch lại tăng cao vào ngày Tết?
Vào dịp Tết, người bệnh thường được nghỉ lễ dài ngày, kèm theo đó là các buổi gặp mặt, trò chuyện, du xuân... Điều này khiến các thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh bị ảnh hưởng, thậm chí nhiều người còn quên việc uống thuốc đều đặn. Dưới đây là những yếu tố khiến nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng cao trong dịp Tết:
Thay đổi trong sinh hoạt hàng ngày
Mâm cỗ ngày Tết thường xuất hiện các món ăn giàu calo, dầu mỡ như: Bánh chưng, nem rán, thịt đông, bánh mứt kẹo, rượu bia, nước ngọt, nước có gas... khiến người bệnh ăn uống "thả phanh" và bỏ qua lời khuyên về việc kiêng cữ thực phẩm từ bác sĩ.
Người mắc bệnh tim mạch rất nhạy cảm với các yếu tố môi trường và thói quen sinh hoạt như: Chế độ ăn uống không lành mạnh, ăn quá mặn, ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động, hút thuốc lá và đồ chứa nhiều đường như mứt, ô mai, bánh kẹo, khi ăn quá nhiều đường sẽ gây ra tình trạng thừa cân béo phì cũng làm tăng huyết áp. Đường bao gồm glucose và fructose là 2 dạng cơ bản. Trong khi glucose được chuyển hóa thành năng lượng để sử dụng thì fructose chỉ có thể được chuyển hóa tại gan thành chất béo dự trữ.
Tết cổ truyền thường gắn liền các món ăn lâu đời như hành muối, kiệu muối, dưa muối. Những sản phẩm này chứa lượng muối cao, khi người bệnh ăn nhiều sẽ gây tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch khác. Thời nay, các sản phẩm chế biến sẵn tiện lợi, bảo quản được lâu cũng như hương vị lạ lẫm được các gia đình lựa chọn để tiếp khách đó là các sản phẩm như đùi heo xông khói, thịt xông khói, gà ủ muối... chứa nhiều muối và thành phần chính của khói có chứa hợp chất phenol, khi ăn nhiều sẽ gây tăng huyết áp... Trong ngày Tết, mọi người có tâm lý vui chơi, ăn uống thoải mái, thức khuya, ít vận động. Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch.
Trong dịp nghỉ Tết người bệnh tim mạch cần thường xuyên đo huyết áp và theo dõi nhịp tim. Ảnh: CTV.
Thời tiết
Vào dịp Tết Nguyên đán, thời tiết thường lạnh, thậm chí là lạnh sâu, nhiều lúc còn có mưa phùn gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, việc người bệnh thường uống nhiều rượu bia, ăn thức chứa nhiều đạm, mỡ, muối,... và đi lại trong thời tiết giá lạnh dễ gây những tác động xấu đến tim mạch và gây ra các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Nghiên cứu cho thấy, nguy cơ đột quỵ tăng 80% khi nhiệt độ xuống dưới 15 độ C hoặc giảm đột ngột. Bởi khi trời lạnh làm mạch máu co lại gây tăng huyết áp, thời tiết lạnh cũng có thể làm máu cô đặc, dẫn đến hình thành cục máu đông.
Vào mùa đông, huyết áp thường tăng cao hơn huyết áp mùa hè khoảng 5mmHg. Nếu điều này diễn ra liên tục có thể làm tăng tới 21% các biến chứng tim mạch trong mùa đông cũng như những ngày nghỉ Tết.
Bên cạnh đó, cơ thể thường xuyên thay đổi về nhiệt độ nóng/lạnh có thể dẫn đến mạch máu co giãn đột ngột, từ đó gây các cơn tăng huyết áp kèm với việc bong các mảng xơ vữa ở thành mạch dễ dẫn đến hình thành các cục máu đông di chuyển đi bất kỳ nơi đâu trong cơ thể gây ra đột quỵ tim và đột quỵ não.
Uống nhiều rượu bia
Với những người mắc bệnh huyết áp, tim mạch thì được khuyến cáo không nên sử dụng rượu bia và thuốc lá do chứa nhiều chất kích thích. Tuy nhiên, trong dịp Tết, mọi người thường sử dụng rượu bia thậm chí uống nhiều rượu với nhiều loại khác nhau. Khi uống rượu bia nhiều sẽ làm cho mạch máu bị giãn gây tụt huyết áp và đi ra ngoài thời tiết lạnh mưa sẽ làm co mạch. Hậu quả là ảnh hưởng đến tim mạch, gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đột quỵ đột ngột.
Không uống thuốc đều đặn
Kỳ nghỉ Tết năm nay kéo dài 9 ngày, do đó người bệnh tim mạch và huyết áp nên kiểm tra sức khỏe trước ngày nghỉ và đảm bảo đủ lượng thuốc sử dụng từ 2 - 4 tuần. Khi mọi người mải mê vui chơi, du Xuân có thể quên uống thuốc. Đối với các loại thuốc như tăng huyết áp, thuốc chống đông nếu không uống đầy đủ có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu cảnh báo không nên bỏ qua
Những dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch người bệnh không nên bỏ qua bao gồm:
Khó thở, thở hụt hơi.
Ra mồ hôi nhiều.
Hoa mắt, chóng mặt.
Xuất hiện cơn đau tức ngực.
Nhịp tim nhanh, mạch đập không đều.
Ngất xỉu.
Khi có các triệu chứng trên, người bệnh không chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế hoặc liên hệ với bác sĩ điều trị để được tư vấn, hướng dẫn xử trí. Không được quan niệm kiêng đến bệnh viện hay kiêng khám bệnh đầu năm, dẫn đến việc trì hoãn thăm khám, dễ gặp hậu quả khôn lường.
Hạn chế các biến chứng tim mạch vào ngày Tết
Để người bệnh tim mạch được đón những ngày Tết vui vẻ, khỏe mạnh thì cần nhớ các lưu ý sau đây để phòng ngừa đột quỵ cũng như các biến chứng tim mạch khác.
Tuân thủ điều trị
Người bệnh cần uống thuốc đủ và đều đặn theo chỉ định của bác sĩ. Nên uống thuốc vào giờ cố định sau khi ăn hoặc sau khi ngủ dậy, khi ăn sáng và tuyệt đối không nên bỏ thuốc. Nếu trong trường hợp người bệnh quên không uống thuốc thì cần uống ngay khi nhớ ra.
Ngoài ra, người bệnh đừng quên đo huyết áp và nhịp tim mỗi ngày để theo dõi các chỉ số có ổn định hay không, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt sao cho hợp lý.
Duy trì thói quen sinh hoạt khoa học, điều độ
Giữ ấm cơ thể là điều đầu tiên người bệnh cần nhớ để bảo vệ sức khỏe. Khi nhiệt độ thấp, cơ thể nhiễm lạnh sẽ dẫn đến mạch máu co lại, huyết áp và nhịp tim tăng lên đột ngột. Nhất là những người bị xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành,... thì nguy cơ biến chứng càng cao hơn. Do đó, người bệnh cần nhớ các biện pháp giữ ấm ngày Tết, nhất là khi ra ngoài buổi tối hoặc khi trời mưa lạnh bằng cách: Mặc đủ áo ấm, đeo tất, đội mũ, quàng khăn, đeo găng tay, khẩu trang,...
Dù phải lo nhiều việc ngày Tết, song người bệnh không nên thức quá khuya, dậy quá sớm, làm việc mệt mỏi liên tục dẫn đến đột quỵ. Thay vào đó, cần chú ý đi ngủ sớm, ngủ đủ giấc từ 6-8 tiếng/ngày, hạn chế căng thẳng, stress. Bên cạnh đó, cần tránh nhiễm lạnh khi nửa đêm đột ngột thức giấc, không tắm muộn sau 22 giờ.
Có chế độ ăn uống lành mạnh
Thời tiết lạnh khiến mạch máu co lại, làm huyết áp tăng cao. Để tránh biến chứng đột quỵ hoặc các biến chứng tim mạch, người bệnh cần chăm chỉ uống nước ấm, nước canh, trà hoặc súp nóng hàng ngày; tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây, rau xanh và các loại ngũ cốc nguyên hạt. Người bệnh cần ăn đúng bữa, không bỏ bữa.
Ngoài ra, việc tăng cholesterol trong máu cũng là nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến tim mạch, gây biến chứng tương tự. Ngày Tết, người bệnh ăn nhiều món dầu mỡ, chiên rán, thực phẩm nhiều đạm và chất béo kết hợp với các yếu tố khác hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu nguy hiểm.
Với những người có bệnh lý về tim mạch luôn được các bác sĩ khuyến cáo lựa chọn chế độ ăn nhạt cũng như hạn chế các thực phẩm mỡ nội tạng động vật, đồ ăn chiên xào, đồ ăn nhanh. Tuy nhiên, vào ngày Tết nếu phải kiêng kỵ tuyệt đối sẽ không cảm nhận được không khí Tết. Do vậy, người bệnh vẫn có thể ăn nhưng với số lượng ít, để cảm nhận được hương vị ngày Tết truyền thống. Ví dụ mỗi bữa chỉ nên ăn 1-2 củ kiệu, dưa muối cũng chỉ nên ăn 1 -2 miếng.
Ngoài thực phẩm ra, người bệnh cũng cần chú ý không nên lạm dụng quá nhiều rượu bia trong dịp Tết. Việc uống rượu khi kết hợp với thời tiết lạnh khiến chất cồn lưu lại trong máu lâu, gây tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ.
Không hút thuốc lá, thuốc lào
Hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ vì nhiều lý do. Nicotine trong thuốc lá có thể làm tăng huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của đột quỵ. Ngoài ra, khói thuốc cũng có thể làm dày thành mạch máu do tích tụ cholesterol, dẫn đến xơ vữa động mạch, một trong những nguy cơ dẫn đến đột quỵ.
Duy trì thói quen tập thể dục
Trong kỳ nghỉ Tết có không ít người thường bận rộn hơn để chuẩn bị đón năm mới, đi thăm hỏi người thân, du xuân... Việc tập luyện thể dục thể thao cũng thường tạm ngừng. Tuy nhiên, người bệnh cần duy trì thói quen tập thể dục hàng ngày, kể cả vào ngày Tết. Nên dành từ 15 - 30 phút để đi bộ hoặc tập thể dục vận động nhẹ nhàng. Những bài tập này không chỉ giúp nâng cao sức khỏe mà còn giúp hệ tim mạch dẻo dai hơn, lưu thông máu tốt hơn, ngăn ngừa biến chứng do cục máu đông hoặc vỡ mạch máu.
Trong những ngày nghỉ Tết, người bệnh nên duy trì tập luyện ít nhất 5 ngày/1 tuần. Tuy nhiên, nếu thời tiết lạnh giá, nên tập thể dục trong nhà, bắt đầu bằng các bài tập làm ấm cơ thể trước khi luyện tập với cường độ cao hơn. Tránh đổ mồ hôi nhiều khi gió lạnh, mạch máu có thể bị co thắt đột ngột rất nguy hiểm.
Người mắc bệnh tim mạch nên tránh tập thể dục lâu ngoài trời lạnh. Những hoạt động thể lực đột ngột, không thường xuyên vào mùa đông lại có nguy cơ làm khởi phát bệnh lý về tim mạch.
Theo BSCKI. Nguyễn Khánh Hưng/suckhoedoisong.vn
https://suckhoedoisong.vn/nhung-luu-y-nhat-dinh-nguoi-benh-tim-mach-phai-nho-trong-dip-tet-169250126020142835.htm