Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc sửa đổi Luật là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý trong việc tinh gọn và tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt cơ quan Nhà nước.
![Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. (Ảnh: TTXVN) Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. (Ảnh: TTXVN)](https://media.vietnamplus.vn/images/0983db2576353694a1560610007c51c29e896bd3302dacbc39006202d88102dd0a53797f4609610013e557b55c3ed7c019039dac00ff861b71bfb2b0f5f3696df7ce679af787ce743e64ea43ad3880cda4c6e2ee0a8f1157ea1139d353ef3b038b30e2a514304d8680952bb930a95c15/vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-sap-xep-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-7856234.jpg.webp)
Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước. (Ảnh: TTXVN)
Thảo luận tại Hội trường Quốc hội sáng 14/2, các đại biểu đều thể hiện sự đồng thuận cao về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức Chính phủ nhằm tiếp tục đổi mới tổ chức hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước, thực hiện chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo tinh thần của Hiến pháp.
Hơn nữa, việc sửa đổi luật sẽ tạo hành lang pháp lý để xử lý những vấn đề thực tiễn, tháo gỡ các “điểm nghẽn” về thể chế và khơi thông nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tăng tính chủ động, sáng tạo
Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 05 chương, 31 điều. So với Luật hiện hành, dự thảo này giảm 02 chương, giảm 19 điều.
Đánh giá cao việc sửa đổi luật, theo đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), với các quy định về phân cấp, phân quyền và được Luật hóa sẽ giúp các địa phương giải phóng nguồn lực, phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi và thông suốt các nội dung phân quyền, đại biểu đề xuất cần bổ sung nội dung vào Điều 18 của Dự thảo Luật về Trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với tư cách là thành viên Chính phủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định việc phân quyền cho địa phương khi có đủ điều kiện, năng lực cần thiết, đồng thời phải bổ sung quy định giám sát chặt chẽ nội dung này.
"Có như vậy, việc thực hiện mới hiệu quả và các điểm nghẽn mới được tháo gỡ, các nguồn lực mới có thể được giải phóng tốt nhất, nhằm phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước," đại biểu nêu quan điểm.
![vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-7855839.jpg vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-7855839.jpg](https://media.vietnamplus.vn/images/4d4cb370422d0549751f0e60766b2d179e896bd3302dacbc39006202d88102dd0a53797f4609610013e557b55c3ed7c0a489348aa2c017bf31239f8214510e2f915f05c7fd6cf23c23d4c263da2aff01e623431b93e19f49c6bfb7780fef9faf868fddc51e0845e29f2a60334730400c/vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-du-an-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-7855839.jpg)
Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh Trần Quốc Tuấn phát biểu. (Ảnh: TTXVN)
Theo đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định), Luật Tổ chức Chính phủ là đạo luật cốt lõi giúp thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Chia sẻ với các ý kiến đưa ra, theo ông việc xây dựng luật này cần chặt chẽ, có sự thống nhất, đồng bộ với các luật, đặc biệt giữa luật này với Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương và tuân thủ Hiến pháp cũng như thể chế hóa đầy đủ các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Nhấn mạnh việc phân cấp, phân quyền, đại biểu Đồng Ngọc Ba cho rằng việc phân cấp, phân quyền đã thể chế hóa đúng và đầy đủ quy định của hiến pháp, đầy đủ những chỉ đạo của cấp có thẩm quy định, đảm bảo quyền lực Nhà nước tập trung thống nhất, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện lập pháp, hành pháp, tư pháp, cho nên khi triển khai quyền lực Nhà nước cần có sự phân công quyền lực giữa các cơ quan, các cấp chính quyền, giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với địa phương.
“Như dự thảo hiện nay phân quyền phải đảm bảo bằng luật, do đó khi thảo luận cần đánh giá cấp trung ương thì Quốc hội, Chính phủ phải làm gì, chính quyền địa phương cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thực hiện nhiệm vụ gì phải tính toán rất rõ, cụ thể, đánh giá tác động để phân quyền cho các cấp này,” đại biểu Đồng Ngọc Ba nói.
Còn theo đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông), việc phân cấp, phân quyền phải đi đôi với phân bổ nguồn lực để các chủ thể được phân cấp, phân quyền, ủy quyền "thực hiện khả thi trong thực tế," vì vậy đại biểu cho rằng cần chú ý đến vấn đề năng lực thực hiện các chủ thể này để phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả."
Cần cơ chế “thẩm định hiệu quả phân cấp”
Liên quan đến vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cho hay khoản 5 Điều 5 dự thảo Luật chưa có quy định về cơ chế cụ thể để thực hiện trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước Nhân dân. Việc minh bạch thông tin và giải trình chính sách vẫn còn nhiều hạn chế trong thực tế, do vậy, đại biểu đề xuất bổ sung quy định về cơ chế thực hiện trách nhiệm giải trình theo hướng bổ sung khoản 7 vào Điều 6 dự thảo Luật nội dung “Chính phủ có trách nhiệm giải trình công khai trước Nhân dân và Quốc hội về các chính sách lớn thông qua các báo cáo định kỳ, phiên chất vấn công khai và cơ chế phản biện xã hội do Mặt trận tổ quốc Việt Nam tổ chức.”
Nêu tại Khoản 3 Điều 6 dự thảo Luật về nguyên tắc phân định thẩm quyền quy định Chính phủ hướng dẫn chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, đại biểu Thạch Phước Bình cũng nêu quy định này chưa làm rõ “ranh giới” giữa phân quyền tức là trao quyền quyết định độc lập và phân cấp là trao quyền thực hiện nhưng lại chịu sự chỉ đạo từ trên xuống.
“Nếu không có 'ranh giới' rõ ràng, có thể xảy ra tình trạng Chính phủ vẫn can thiệp sâu vào công việc của địa phương, làm giảm tính chủ động của chính quyền địa phương,” đại biểu đoàn Trà Vinh nói. Ông cũng đề nghị làm rõ khái niệm “phân quyền” và “phân cấp” theo hướng: Phân quyền là chính quyền địa phương có quyền quyết định độc lập trong một số lĩnh vực (như phát triển kinh tế-xã hội địa phương); phân cấp là việc chính quyền địa phương được giao thực hiện một số nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ, nhưng vẫn chịu sự giám sát.
Cùng ý kiến này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc sửa đổi Luật là rất cần thiết, tạo hành lang pháp lý trong việc tinh gọn và tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt cơ quan hành pháp Nhà nước.
Dẫn chứng từ nguyên tắc phân định thẩm quyền hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có trách nhiệm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định các nội dung theo quy định của Hiến pháp và những vấn đề cơ bản, quan trọng thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, nguyên tắc phân quyền đã nêu cụ thể cơ quan lập pháp làm gì, cơ quan hành pháp làm gì và được phân định rạch ròi.
Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị trong phân cấp, phân quyền phải có một cơ chế cụ thể, nếu không đưa vào luật cũng phải đưa vào quy định để người được phân quyền, ủy quyền và giao thẩm quyền đó dám làm, dám chịu trách nhiệm về công việc đó, cũng như có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, thanh tra người được phân quyền, ủy quyền.
![vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-viec-xu-ly-mot-so-van-de-lien-quan-den-sap-xep-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-7856120.jpg vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-viec-xu-ly-mot-so-van-de-lien-quan-den-sap-xep-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-7856120.jpg](https://media.vietnamplus.vn/images/4d4cb370422d0549751f0e60766b2d179e896bd3302dacbc39006202d88102dd0a53797f4609610013e557b55c3ed7c037b1a8f3af4aba6c5f77137da19a5ab8d80f6efcb30c07c4654551e59b3290c10844c47110efbbba7649295fe712401b4e8fb1120584446b76995555d926c705b263bcd54789a5a59eb74e96ba5c17cd2b0060af11f9d1dc2bd444029670c862/vna-potal-quoc-hoi-thao-luan-ve-viec-xu-ly-mot-so-van-de-lien-quan-den-sap-xep-to-chuc-bo-may-nha-nuoc-7856120.jpg)
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng việc sửa đổi Luật là cần thiết, đảm bảo sự hoạt động thông suốt cơ quan hành pháp Nhà nước. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) phân tích, việc phân quyền không rõ ràng có thể dẫn đến sự chồng chéo giữa Trung ương và địa phương, đơn cử một số nhiệm vụ trọng yếu (quy hoạch, đầu tư công, quản lý đất đai, môi trường) có thể vừa thuộc trách nhiệm của Chính phủ, vừa thuộc thẩm quyền của địa phương, dễ dẫn đến tranh chấp trong thực thi chính sách, thậm chí nếu Trung ương vẫn giữ quyền ra quyết định nhưng giao địa phương thực thi mà không rõ trách nhiệm, có thể dẫn đến thiếu đồng bộ và trì trệ trong triển khai.
Về nguy cơ cát cứ quyền lực, đại biểu Trần Văn Khải nêu rõ, chính quyền địa phương có thể lạm quyền và thiếu kiểm soát. Việc phân quyền mạnh mẽ có thể khiến một số địa phương tự quyết định theo lợi ích địa phương, không nhất quán với chính sách chung. Một số tỉnh, thành phố giàu tài nguyên hoặc có kinh tế mạnh có thể tận dụng quyền phân quyền để thiết lập các chính sách ưu đãi riêng, gây bất bình đẳng với các địa phương khác, ngược lại, các địa phương yếu kém có thể không đủ năng lực thực hiện, gây trì trệ hoặc thậm chí lạm dụng quyền lực để trục lợi.
Vì vậy, đại biểu đề xuất bổ sung vào Điều 7 dự thảo Luật các nguyên tắc “phân quyền có điều kiện,” theo đó, chỉ phân quyền khi địa phương đủ năng lực tài chính, nhân lực, quản trị; xây dựng chỉ số đánh giá năng lực quản trị của từng địa phương trước khi phân quyền, đồng thời, cần tăng cường giám sát của Trung ương, Thành lập Hội đồng kiểm soát phân quyền để giám sát chặt chẽ việc thực hiện./.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/dai-bieu-quoc-hoi-phan-cap-phan-quyen-phai-di-doi-voi-phan-bo-nguon-luc-post1012339.vnp