Kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội khép lại với nhiều quyết sách quan trọng được thông qua nhằm kiện toàn bộ máy Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, khoa học công nghệ, cơ sở hạ tầng.

Quang cảnh buổi Họp báo Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Sau 6,5 ngày làm việc (từ ngày 12 đến sáng ngày 19/02/2025), Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thông qua 4 luật, 5 nghị quyết và tiến hành công tác nhân sự để thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Quốc hội, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15; Thông qua 6 Nghị quyết nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và các cơ chế, chính sách đặc thù đối với một số dự án quan trọng.
Trong đó, Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi tập trung vào việc phân định rõ thẩm quyền giữa Quốc hội và Chính phủ, quy định chi tiết về các cơ quan của Quốc hội và bổ sung quy định về việc tạm đình chỉ nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội. Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) tập trung vào việc phân cấp, ủy quyền, tăng cường quyền tự chủ cho địa phương và cơ quan đơn vị, đồng thời nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu. Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, thể chế hóa chủ trương đổi mới chính quyền địa phương theo hướng phân quyền, tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả. Đồng thời, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) thể chế hóa chủ trương đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, đảm bảo đồng bộ và phù hợp với cơ cấu tổ chức mới.
Về công tác nhân sự, Quốc hội đã bầu ông Vũ Hồng Thanh và ông Lê Minh Hoan làm Phó Chủ tịch Quốc hội, phê chuẩn bổ nhiệm ông Mai Văn Chính và ông Nguyễn Chí Dũng làm Phó Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng bầu bổ sung 6 ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phê chuẩn bổ nhiệm 4 bộ trưởng. Các quyết định nhân sự được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định và nhận được sự đồng thuận cao.
Ngoài việc kiện toàn bộ máy, Quốc hội cũng thông qua nhiều quyết sách quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội. Đáng chú ý là Nghị quyết của Quốc hội bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Nghị quyết này đề ra 5 nhóm giải pháp chính, là hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy động lực tăng trưởng truyền thống và tạo động lực tăng trưởng mới.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết cho phép cấp kinh phí theo cơ chế quỹ, khoán chi trong nghiên cứu khoa học, trao quyền sở hữu và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, sử dụng ngân sách Trung ương triển khai nền tảng số dùng chung và hỗ trợ xây dựng nhà máy sản xuất chip bán dẫn.
Một quyết định quan trọng khác là phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với tổng vốn đầu tư hơn 203 nghìn tỷ đồng. Dự án này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển công nghiệp đường sắt, tạo việc làm, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, đồng thời đảm bảo quốc phòng an ninh.
Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm giải quyết điểm nghẽn về thể chế và hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị, đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng.
Đặc biệt, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Nghị quyết cho phép triển khai đồng thời đàm phán với đối tác và phê duyệt dự án, lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật do đối tác đề xuất và giao Thủ tướng Chính phủ quyết định các vấn đề liên quan đến định mức đơn giá.
Ngoài ra, Quốc hội đã thống nhất thông qua Nghị quyết về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 02 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội.../.
Theo (Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/quoc-hoi-thong-qua-quyet-sach-dot-pha-mo-duong-cho-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-post1013145.vnp