Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2025 quy chế tuyển sinh đại học có một số điểm mới về điểm cộng và quy đổi điểm tương đương sẽ khắc phục được tình trạng "lạm phát" điểm chuẩn diễn ra ở một số ngành/trường trong những năm gần đây.
Năm 2024, dù đã có những quy định mới về cộng điểm ưu tiên nhằm khắc phục tình trạng 30 điểm vẫn chưa trúng tuyển đại học, song nhiều ngành vẫn có mức điểm chuẩn cao gần "kịch trần".
Năm 2024, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử, Sư phạm Ngữ văn tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có mức điểm chuẩn 29,3 ở tất cả các tổ hợp xét tuyển, tiếp đó là ngành Sư phạm Địa lý có mức điểm chuẩn ở các tổ hợp xét tuyển C00 và C04 là 29,05 điểm.
Tương tự, năm 2024, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng có 3 ngành lấy điểm chuẩn trên 29 điểm gồm Báo chí, Quan hệ công chúng và Hàn Quốc học. Ngành Quan hệ công chúng có điểm cao nhất - 29,1 ở khối C00 (Văn, Sử, Địa). Hai ngành Hàn Quốc học và Báo chí có điểm chuẩn lần lượt là 29,05 và 29,03.
Hay ngành Trung Quốc học của Học viện Ngoại giao cũng có điểm chuẩn cao nhất ở tổ hợp xét tuyển C00 là 29,2 điểm.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, năm 2025, Bộ điều chỉnh quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm với nhiều điểm mới nhằm khắc phục tình trạng điểm chuẩn nhiều ngành gần kịch trần như những năm gần đây.
Theo đó, năm 2025, tổng điểm cộng sẽ không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét tuyển. Bộ GD-ĐT cho rằng, bên cạnh thực trạng có thể mất công bằng trong tuyển sinh do lạm dụng xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, việc quy định tổng điểm cộng (điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích) đối với các thành tích, các chứng chỉ khác nhau của thí sinh lớn cũng có thể dẫn tới mất công bằng với các thí sinh không có điểm cộng (vì lý do khách quan, không phải vì năng lực) cùng xét tuyển. Vì vậy, quy chế tuyển sinh năm nay đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét, ví dụ với thang điểm 30, điểm cộng tối đa là 3 điểm để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng dựa trên đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và khai thác tối đa thế mạnh riêng của thí sinh.
Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét nhưng không có thí sinh nào có điểm xét (tất cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.
"Quy chế xét tuyển đại học năm nay có 2 điểm mới về cộng điểm và quy đổi điểm tương đương để không còn tình trạng 29, 30 điểm vẫn chưa đỗ đại học. Năm 2024, Bộ đã có quy định về điểm ưu tiên để giảm dần tình trạng này, tuy nhiên một số trường vẫn đưa ra các điểm cộng, điểm thưởng cao một cách bất hợp lý. Năm nay Bộ khống chế mức điểm cộng không quá 10%, dù có điểm cộng là bao nhiêu đi nữa, nhưng khi cộng tổng điểm xét tuyển sẽ không vượt qua ngưỡng điểm tối đa của thang điểm. Nếu các trường tuân thủ theo đúng quy tắc này sẽ không có tình trạng điểm chuẩn vượt quá 30 điểm", Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, điểm chuẩn một số ngành quá cao cũng xuất phát từ việc các trường phân bổ chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển của các ngành không hợp lý. Năm 2025, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển. Như vậy các trường không phải phân bổ chỉ tiêu cho các phương thức xét tuyển tránh được những rủi ro khi xét tuyển theo chỉ tiêu của từng phương thức như độ lệch điểm giữa các phương thức quá lớn, có phương thức điểm trúng tuyển rất cao, điểm trúng tuyển học bạ thấp hơn điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông…
Theo Nguyễn Trang/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/lieu-co-con-tinh-trang-lam-phat-diem-chuan-dai-hoc-nam-2025-post1189713.vov