Cập nhật: 09/04/2025 14:06:00
Xem cỡ chữ

Trong bài viết "Học tập suốt đời" ngày 2/3, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng xã hội học tập. Học tập suốt đời để dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì lợi ích chung, để trở thành người có ích cho xã hội. Nghiên cứu về bài viết, nhiều chuyên gia, nhà khoa học và cán bộ quản lý cho rằng bài viết không chỉ mang giá trị lý luận sâu sắc mà còn là kim chỉ nam hành động cho toàn xã hội trong kỷ nguyên tri thức.

Hơn 30 năm tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Phòng, nguyên Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, bài viết “Học tập suốt đời” của Tổng Bí thư Tô Lâm không dừng lại ở lý thuyết mà còn là lời kêu gọi thiết thực đến toàn xã hội, đó chính là những định hướng mang tính chiến lược cho sự nghiệp nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu cấp thiết của đất nước trong giai đoạn mới.

Điểm khéo léo trong bài viết của Tổng Bí thư là sự kết nối hài hòa giữa tư tưởng học tập suốt đời với truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam từ ngàn đời nay. Việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại càng giúp khẳng định tinh thần học tập suốt đời chính là kim chỉ nam để đưa đất nước phát triển. Bài viết của Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc học tập không ngừng trở thành quy luật sống trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, trong đó, mỗi công dân cần ý thức được trách nhiệm của bản thân mình đối với việc tự học tập suốt đời.

Bài viết “Học tập suốt đời” không chỉ là một thông điệp khơi dậy tinh thần học tập suốt đời trong mỗi người dân mà còn là lời kêu gọi toàn xã hội thay đổi nhận thức, từ học tập như một nhiệm vụ, sang học tập như một phương thức sống. Tư tưởng ấy nếu được thấm sâu vào từng cá nhân sẽ trở thành nền móng vững chắc để xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Phương Anh