Hiện nay, tình trạng xả chất thải, nước thải trực tiếp ra sông, suối, ao hồ, lấn chiếm lòng sông vi phạm nghiêm trọng Luật Thủy lợi đã và đang tác động rất lớn đến chất lượng nguồn nước của các con sông, cản trở dòng chảy và thu hẹp dòng sông.
Trong năm 2025, tình trạng đổ chất thải, lấn chiếm dòng sông trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn ra và các ngành chức năng, chính quyền địa phương các cấp nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm thì trong tương lai không xa, không ít các con sông sẽ trở thành “sông chết” là dấu hiệu được dự báo.
Dọc theo 2 bên bờ sông Cà Lồ, đoạn qua địa phận thành phố Phúc Yên không ít các trường hợp lấn chiếm lòng sông đã được phát hiện trước đó chưa được xử lý nhưng đã phát sinh nhiều trường hợp vi phạm mới. Theo đơn vị có chức năng quản lý khai thác Sông Cà Lồ cho biết, trong năm 2025 số trường hợp vi phạm mới xảy ra nhiều.
Ngay sau khi phát hiện ra vụ việc, Công ty TNHH Một thành viên Thủy lợi Phúc Yên đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm Luật Thủy lợi, trả lại nguyên trạng dòng sông như ban đầu; đồng thời báo cáo cơ quan quản lý là Sở Nông nghiệp và Môi trường. Thế nhưng việc cơ quan chức năng chưa xử lý dứt điểm, người dân vẫn xây dựng và đang dần hoàn thiện. Không kiên quyết xử lý nghiêm là một trong những lý do dẫn đến số trường hợp vi phạm trên sông Cà Lồ tăng dần qua các năm, phải chăng có hiện tượng nhờn luật và lây lan.
Trên sông Bá Hanh, đoạn chảy qua địa phận huyện Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên, tình trạng đổ chất thải vật liệu xây dựng cũng đang diễn ra làm ảnh hưởng lớn đến dòng sông. Người dân tự kè đá, căng lưới nuôi trồng thủy sản khi chưa được cấp phép đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và dòng chảy tự nhiên.
Theo Chi cục Thủy Lợi, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vi phạm công trình thủy lợi trong những năm qua là do lịch sử các dòng sông đã hình thành lâu đời và dân cư sinh sống dọc theo 2 bên bờ sông cũng đã có từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, Nhà nước chưa cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ. Lợi dụng điều này, các hộ dân sinh sống gần phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi có hành vi lấn chiếm, sử dụng vào mục đích riêng. Từ đầu năm 2025 đến nay, qua kiểm tra, Chi cục Thủy lợi cũng đã phát hiện một số trường hợp vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Cũng theo Chi cục Thủy lợi, khi phát hiện các hành vi phạm công trình thủy lợi, chính quyền địa phương sở tại có trách nhiệm chính trong việc lập biên bản xử phạt, ngăn chặn ngay từ ban đầu. Tuy nhiên thực tế hiện nay, hình thức xử lý chủ yếu là lập biên bản, nhắc nhở và phạt cảnh cáo, thiếu biện pháp xử lý mạnh mang tính răn đe như: cưỡng chế, thu hồi, buộc khắc phục nguyên trạng .
Lỗ Hiếu