Theo các chuyên gia, sự phát triển của các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đang tạo ra những phương thức gian lận mới, tinh vi hơn và giáo viên khó có thể phát hiện nếu không được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp. Thực trạng này đe dọa hình thành một môi trường học tập thiếu trung thực, không lành mạnh.
Dùng AI để gian lận khi làm bài
Ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT nhận định: “AI không còn là khái niệm xa vời. Nó đã, đang và sẽ tiếp tục làm thay đổi cách chúng ta dạy và học, cách học sinh tiếp cận tri thức, cách các nhà quản lý hoạch định chính sách.” Theo ông, AI mang đến cơ hội lớn trong việc cá nhân hóa học tập, tăng cường tương tác, hỗ trợ giảng dạy, đánh giá và quản trị giáo dục hiệu quả hơn. Tuy nhiên, đi kèm đó là những thách thức về đạo đức, pháp lý, năng lực ứng dụng, và đặc biệt là sự công bằng trong tiếp cận công nghệ.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trường Đại học Giáo dục, ĐH QGHN dẫn số liệu: “Tại Việt Nam, khoảng 15% trường học ở các thành phố lớn đã triển khai ứng dụng AI trong giáo dục; riêng Hà Nội khoảng 25%, TP.HCM khoảng 30%. Các môn học sử dụng AI nhiều nhất là Toán, Tiếng Anh, Khoa học và Tin học.”

Người dùng nếu phụ thuộc quá mức vào AI có thể trở thành ‘nô lệ số".
Dù AI hỗ trợ học tập, PGS.TS Thành cảnh báo: “Người dùng nếu phụ thuộc quá mức vào AI có thể trở thành ‘nô lệ số’. Điều này triệt tiêu các phẩm chất quan trọng trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 như năng lực giải quyết vấn đề, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, tự chủ và tự học”.
Một giáo viên Ngữ văn tại trường THPT ở Hà Nội cho biế: “Bài viết của nhiều học sinh giống nhau đến mức lạ thường. Sau khi tìm hiểu, tôi phát hiện các em dùng chung một công cụ AI để viết. Khi hỏi lại nội dung, chính các em cũng không hiểu rõ mình đã viết gì.”. Nhiều giáo viên lo ngại, dù nghi ngờ các em dùng AI để gian lận, đạo văn nhưng chúng tôi không có công cụ nào để xác minh.
Không chỉ học sinh, giáo viên cũng có thể bị cuốn vào sự tiện lợi của AI. Việc phụ thuộc vào AI để soạn bài giảng hay chấm điểm dễ khiến giáo viên mất tính chủ động, giảm khả năng đánh giá chính xác vì quá tin vào công cụ.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh: “Nếu không kiểm soát chặt chẽ, sự hỗ trợ của AI trong dạy học sẽ dễ dẫn tới lười tư duy, lạm dụng, sao chép kiến thức mà không hiểu bản chất. Giáo viên, học sinh cần được tập huấn để hiểu rõ lợi ích-hạn chế của AI, từ đó có cách sử dụng phù hợp trong học tập, giảng dạy và kiểm tra đánh giá.”
Một số chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, một số học sinh dùng AI để làm hộ bài tập, viết văn, thậm chí thi trực tuyến. Việc này tưởng như giúp các em tiết kiệm thời gian, nhưng lâu dài làm mất động lực học thật, suy giảm tư duy phản biện và kỹ năng viết lách. Thầy cô, nhà trường và phụ huynh cần giám sát, hướng dẫn để AI là công cụ hỗ trợ chứ không thay thế hoàn toàn nỗ lực của học sinh.
Tuân thủ quy tắc đạo đức, bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng AI

Giáo viên phải tuân thủ các quy tắc đạo đức, bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng AI.
Thực tế cho thấy, hiện nay có tới 60% giáo viên chưa từng tham gia khóa bồi dưỡng về AI. Trong bối cảnh đó, nhiều trường đại học đang chủ động hành động để giúp giáo viên làm chủ công nghệ.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH QGHN, nhà trường đã bắt đầu hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho giáo viên về ứng dụng AI trong giảng dạy. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ những quan ngại đáng kể. Sau thời gian áp dụng, giáo viên trăn trở về việc làm sao để vừa tận dụng được AI, nhưng không khiến sinh viên trở nên lười suy nghĩ. Thậm chí, nhiều sinh viên tin tuyệt đối vào tri thức mà AI mang lại, mà không kiểm tra chéo thông tin. Trong khi theo lý thuyết, AI có thể tạo ra ‘ảo giác’ hoặc phản ánh định kiến không chính xác.
PGS.TS Trần Thành Nam nhấn mạnh: “Giáo viên phải tuân thủ các quy tắc đạo đức, bảo đảm an toàn cho học sinh khi sử dụng AI. Cần sử dụng AI để khuyến khích tư duy phản biện, giải quyết vấn đề phức tạp và sáng tạo trong giảng dạy.” Đặc biệt, ông nhấn mạnh vai trò của giáo viên: “Muốn học sinh học thật, giáo viên phải dạy thật. Không thể ‘sáng tạo bằng lệnh’, rồi kỳ vọng học sinh có tư duy phản biện.”
Trường Đại học Giáo dục hiện đang xây dựng khung năng lực AI dành cho giáo viên, đồng thời hình thành các nhóm nghiên cứu tiên phong, nhằm đóng góp cho việc hoàn thiện khung năng lực quốc gia về AI trong giáo dục.
PGS.TS Nguyễn Chí Thành cho biết: “Bộ GD-ĐT đang xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng AI trong dạy học và kiểm tra, đánh giá. Không thể cấm AI, vì nó là xu thế tất yếu, nhưng cần quản lý việc sử dụng một cách thông minh, hiệu quả, đúng đạo đức. Việc giáo dục năng lực số, năng lực học tập suốt đời cho học sinh càng trở nên cấp thiết.”
Cùng quan điểm, ông Vũ Minh Đức - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục nhấn mạnh: “Không thể cấm AI, vì đây là xu hướng tất yếu. Nhưng chúng ta có thể định hướng cách sử dụng đúng mực, nhân văn và có trách nhiệm, để AI trở thành bạn đồng hành chứ không phải kẻ thay thế trí tuệ con người”.
Để ứng phó, Bộ GD-ĐT đã và đang triển khai các chương trình tập huấn, xây dựng tài liệu hướng dẫn sử dụng AI trong dạy học và kiểm tra-đánh giá. Tại Diễn đàn quốc gia về đổi mới giáo dục với trí tuệ nhân tạo năm mới đây do Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Đại học RMIT tổ chức, các chuyên gia, giáo viên, nhà quản lý đã cùng thảo luận và đề xuất bộ tiêu chí đánh giá việc sử dụng AI trong giáo dục theo hướng nhân văn, trung thực và hiệu quả.
Theo Thu Hằng/VOV.VN
https://vov.vn/xa-hoi/lo-ngai-hoc-sinh-dung-tri-tue-nhan-tao-de-gian-lan-dao-van-post1191941.vov