Hơn 60 năm đã trôi qua kể từ khi chất độc da cam dội xuống Việt Nam và hậu quả của nó vẫn đang hiện diện trên cơ thể và cuộc sống của hàng triệu nạn nhân chất độc da cam, trong đó có những thế hệ chưa từng trải qua chiến tranh. Thấu hiểu những khó khăn của các nạn nhân và gia đình nạn nhân, nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước, các tổ chức và nhân dân đã dành cho các nạn nhân chất độc da cam sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, giúp họ vượt qua bệnh tật, khó khăn, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Hưởng ứng tháng nhân đạo năm 2025, từ nhiều ngày nay, những buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và tư vấn sức khỏe đã được tổ chức dành cho các hội viên hội Chữ thập đỏ, nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc được tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam, tại chương trình, nhiều nạn nhân da cam đã được thăm khám, tư vấn sức khoẻ miễn phí, kê đơn thuốc phù hợp. Hoạt động không chỉ mang ý nghĩa thiết thực mà còn là sự động viên tinh thần với những người đang gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh.
Trên 7.000 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có trên 5.200 nạn nhân trực tiếp và trên 1.800 nạn nhân gián tiếp trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Nhờ sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt, tích cực vận động các nguồn lực ủng hộ, chia sẻ cả vật chất và tinh thần cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân chất độc da cam của các cấp, các ngành, các tổ chức và Nhân dân trong tỉnh, nhiều người trong số họ đã và đang không ngừng nỗ lực vươn lên, làm chủ cuộc sống, tích cực đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Sự hỗ trợ và động viên kịp thời đã góp phần truyền lửa để những nạn nhân không may mắn nhiễm chất độc da cam tiếp tục chiến đấu chống lại nỗi đau dai dẳng mà chiến tranh để lại. Có những người vượt lên nỗi đau, nhưng phần nhiều trong số họ cần nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội, sự chia sẻ về vật chất, tinh thần để giúp họ phần nào xoa dịu nỗi đau mang tên da cam.
Phương Anh