Cập nhật: 20/04/2025 08:59:00
Xem cỡ chữ

Sách chính là kho tàng tri thức của nhân loại. Việc đọc sách không chỉ giúp con người có thể lĩnh hội được vô vàn tri thức, mở mang trí tuệ mà còn đem lại nhiều lợi ích khác.

Tuy nhiên trước sự phát triển mạnh mẽ của Internet cũng như các thiết bị nghe nhìn (ipad, tivi...) có nhiều trò chơi, video với hình ảnh sống động, hiện đại, khiến trẻ em có xu hướng lười đọc.

Để góp phần xây dựng văn hóa đọc, một trong những đối tượng cần quan tâm chính là trẻ em, bởi hình thành thói quen đọc sách ngay từ thơ bé sẽ giúp tạo nên một thế hệ yêu sách, gắn bó với sách.

Chú thích ảnh

Học sinh Thủ đô đến tìm hiểu và đọc sách tại chuỗi sự kiện. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Duy trì, hình thành thói quen đọc sách

Sau 2 năm (từ 2023 đến nay), "Góc đọc cuối tuần" dành cho thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng vào thứ 7 hằng tuần đã trở thành điểm hẹn quen thuộc và ý nghĩa dành cho thiếu nhi. Tham gia "Góc đọc cuối tuần", các độc giả nhí sẽ được đọc sách, tham gia hoạt động tương tác, làm thí nghiệm khoa học, tìm hiểu kiến thức, và học các kĩ năng mới… với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, biên tập viên.

Có thể kể đến như ngày 13/4, Ban tổ chức mang đến cho các độc giả nhí cuốn sách "Bỏ điện thoại xuống nào" của tác giả Bùi Phương Tâm. Không chỉ hướng đến việc khuyến khích các bậc cha mẹ "bỏ điện thoại xuống" để chơi cùng con trẻ, cuốn sách gợi ý chúng ta đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi như: Chúng ta cần tạo ra một môi trường như thế nào để mời trẻ tự chơi? Thứ đồ gì mở ra các hoạt động? Lứa tuổi nào thì chơi gì?... Hay ngày 20/4, cuốn sách "Cậu bé bi đất - bụng tròn chứa đầy niềm tin" sẽ đến với các bạn đọc nhỏ tuổi. Tại đây, các bé sẽ lắng nghe câu chuyện về cậu bé bi đất luôn giữ vững niềm tin dù đối mặt với khó khăn. Từ câu chuyện đó, các em sẽ học được cách vượt qua nghịch cảnh và tin vào bản thân; đồng thời học từ sách, chơi với bạn bè và chia sẻ những điều ấp ủ để trưởng thành... Với chuỗi sự kiện "Góc đọc cuối tuần", Nhà xuất bản Kim Đồng mong muốn góp phần hình thành, duy trì thói quen đọc sách của thiếu nhi và xa hơn là thúc đẩy phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

Cùng với các nhà xuất bản, các cấp, ngành, nhiều địa phương, trường học đã tạo các địa điểm, không gian đọc sách cho thiếu nhi. Tại Bắc Kạn, năm 2024, Thư viện tỉnh cho ra mắt không gian đọc sách cho thiếu nhi, phục vụ bạn đọc từ thứ Hai đến thứ Sáu hằng tuần, buổi sáng từ 7h30 - 11h00, buổi chiều từ 13h30 - 16h00. Không đơn thuần dừng lại ở một không gian đọc sách thân thiện, nơi các em được khám phá nguồn tri thức vô tận trong những trang sách mà nơi đây còn giúp các em được kết nối, tương tác với các thiết bị công nghệ, hiện đại, nâng cao khả năng sáng tạo, tiếp cận công nghệ thông tin; đây còn là không gian để tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu, học tập, hoạt động nhóm... của thiếu nhi.

Hay câu chuyện của Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 4/2023 đã áp dụng hình phạt đối với học sinh vi phạm nội quy, thay vì phải viết bản kiểm điểm, chép phạt, lao động công ích, các em sẽ được yêu cầu lên thư viện, tìm một cuốn sách để đọc, sau đó viết lại cảm nhận của mình. Việc làm này được các học sinh rất đồng tình và thích thú, bởi qua đó giúp các em biết cảm thụ văn học, khơi dậy tình yêu thương ông bà, cha mẹ. Theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, việc triển khai hình thức xử phạt này để nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong trường học, qua đó giúp các em biết cảm thụ văn học, khơi dậy tình yêu thương ông bà, cha mẹ. Khi các em thương yêu gia đình, mọi người, sẽ biết trân trọng cuộc sống, biết điều chỉnh hành vi của mình. Điều này cũng góp phần đẩy lùi bạo lực học đường.

Thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ngày 15/1/2024, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục nâng cao văn hóa đọc cho thiếu niên, nhi đồng. Chỉ thị yêu cầu Ban Thường vụ các tỉnh, thành Đoàn, Hội đồng Đội các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan có liên quan định kỳ tổ chức các chương trình, hoạt động hình thành và phát triển thói quen đọc sách, báo trong thiếu nhi, tiếp tục đẩy mạnh triển khai và thực hiện hiệu quả phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”; thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân, các gương thiếu nhi tiêu biểu có thành tích xuất sắc và tích cực tham gia phong trào... Các cấp bộ Đoàn, Đội cần tăng cường tổ chức các sân chơi, hoạt động khơi dậy niềm đam mê, hình thành thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi. Tập trung tuyên truyền rộng rãi trong thiếu niên, nhi đồng và các em đội viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đọc sách, báo và phong trào “Đọc và làm theo báo Đội”; hướng dẫn, hỗ trợ thiếu nhi tham gia các nhóm bút, câu lạc bộ phát thanh măng non, câu lạc bộ sáng tác thơ văn của thiếu nhi; tổ chức cho đội viên, thiếu nhi tích cực tham gia sinh hoạt chuyên đề “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay, một tấm gương sáng”, sân chơi “Đọc sách vì tương lai”...

Để tình yêu sách len lỏi vào đời sống một cách tự nhiên

Chú thích ảnh

Học sinh tỉnh Quảng Bình đọc sách tại Thư viện tổng hợp tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN

Không chỉ sự nỗ lực từ các cơ quan chức năng, gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nuôi dưỡng tình yêu với sách cho trẻ em.

Sau khi làm xong các công việc buổi tối, trước khi đi ngủ, gia đình chị Hoa (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lại giành thời gian cho việc đọc sách. Trong khi bố mẹ lựa chọn những cuốn sách tiểu thuyết hay triết lý sống, hai bạn nhỏ Tùng (10 tuổi) và Lan (6 tuổi) chọn những cuốn sách thiếu nhi để đọc. Với Tùng đã có thể lựa chọn những cuốn sách dày như: "Harry Potter", "Không gia đình", "Nhóc Nicolas"... thì cô bé Lan lại chọn những câu chuyện thiếu nhi với nhiều hình ảnh minh họa đẹp như: "Chuột Típ", "Gà tơ đi học"... Chị Hoa cho biết: Thói quen này đã được chị rèn cho các con ngay từ mẫu giáo. Khi các con được 2-3 tuổi, buổi tối chị dành thời gian đọc cho các con nghe những câu chuyện thiếu nhi hay, giải đáp những câu hỏi đầy tò mò của các con. Khi các con lớn, các con sẽ có niềm yêu thích với sách. Những dịp sinh nhật hay ngày lễ, cả nhà lại cùng nhau đi khắp các tiệm sách để chọn cho mình những quyển sách hay.

Là một trong những tác giả có nhiều tác phẩm được thanh, thiếu niên yêu thích, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng để lan tỏa tình yêu và văn hóa đọc đến các bạn nhỏ, cần những hành động thiết thực ngay trong chính gia đình. Ví dụ: Cha mẹ không chỉ tặng đồ chơi, còn tặng sách truyện cho con cái vào mỗi dịp sinh nhật, ngày lễ. Đó là cách tình yêu sách len lỏi vào đời sống một cách tự nhiên, giúp cho các em nhỏ xem việc lớn lên với sách là điều bình thường, giống như chuyện ăn, ngủ, vẽ, hát...

Theo nhiều chuyên gia, việc giúp trẻ em yêu thích đọc sách không thể nóng vội mà cần sự hướng dẫn từ các bậc phụ huynh. Theo đó, các bậc phụ huynh cần trở thành tấm gương cho trẻ em trong việc yêu thích sách; nên cho trẻ tiếp cận với sách, truyện ở nhiều nơi để khuyến khích trẻ đọc sách; thường xuyên cùng trẻ đọc sách; hạn chế cho trẻ xem tivi và dùng điện thoại; cùng lựa chọn sách cũng như tạo không khí vui vẻ đọc sách với bé...

Chia sẻ tại một buổi talkshow về văn hóa đọc, nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ: Đọc sách cùng con là cách nuôi dưỡng tình cảm gia đình. Đồng hành cùng con trong việc đọc sách không chỉ mang lại lợi ích cho trẻ, còn giúp cha mẹ thư giãn, giảm stress và tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, định hình hình ảnh bố mẹ trong tâm trí con trẻ. Hay nói cách khác, đó là sự gắn kết giữa bố mẹ - con cái thông qua nhịp cầu đọc sách cùng nhau. Sự nuôi dưỡng của sách ngoài kiến thức, tâm hồn còn là tình cảm của phụ huynh và trẻ.

Cha mẹ có thể đặt câu hỏi, cùng con phân tích nội dung, lắng nghe cách suy nghĩ, cảm nhận của con qua câu chuyện con đọc. Qua đó, trẻ em sẽ được rèn luyện khả năng tư duy, khả năng giao tiếp và phát triển trí tưởng tượng cũng như rèn luyện cho có thói quen đọc sách và tình yêu sách. Nếu các bậc phụ huynh dành thời gian của mình cho việc đồng hành cùng con trong việc đọc sách, định vị, lựa chọn cho con những đầu sách gần gũi, đúng với nội dung, chủ đề mà trẻ yêu thích sẽ giúp cho trẻ dễ dàng tìm đến với sách, đọc nhiều sách hơn và không bỏ đi thói quen tích cực này. Từ sách, trẻ hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống, về con người và về thế giới xung quanh. Trẻ em sẽ học được cách yêu thương, chia sẻ và trân trọng cuộc sống. Những đứa trẻ lớn lên cùng sách sẽ hình thành văn hóa đọc trong gia đình, rồi dần lan rộng ra đến bạn bè, người thân xung quanh, đến cả cộng đồng. Từ mỗi trang sách góp phần định hình hình ảnh của trẻ trong tương lai - nhà văn Văn Thành Lê chia sẻ.

Theo P. H (TTXVN)

 https://baotintuc.vn/van-hoa/ngay-sach-viet-nam-214-nuoi-duong-tinh-yeu-sach-cua-tre-em-20250420081658993.htm