Ngày 29/4, tại Nhà triển lãm số 45 phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đã khai mạc triển lãm "Tự hào một dải non sông" chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

Lễ cắt băng khai mạc triển lãm "Tự hào một dải non sông".
Triển lãm "Tự hào một dải non sông" là hoạt động thiết thực thực hiện Kế hoạch số 269-KH/TWĐTN-BTG ngày 29/7/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện quan trọng trong năm 2025.
Với hơn 200 hình ảnh, tư liệu, hiện vật quý giá được lựa chọn, triển lãm gồm 6 phần nội dung chính.
Phần 1 của triển lãm, "Những bằng chứng lịch sử, pháp lý khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", trưng bày tư liệu, hình ảnh là những bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông.

Phụ san đặc biệt của Báo Nhân Dân được giới thiệu tại không gian triển lãm.
Phần 2 của triển lãm với tiêu đề "Khát vọng độc lập, thống nhất non sông" là điểm nhấn sâu lắng, thiêng liêng trong hành trình nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.
Thông qua hệ thống hình ảnh, tư liệu chọn lọc, phần trưng bày tái hiện sinh động quá trình đấu tranh cách mạng kiên cường, bền bỉ của nhân dân ta từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời năm 1930 đến thắng lợi trọn vẹn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975.
Mỗi hiện vật, mỗi bức ảnh, mỗi dòng tư liệu là một mảnh ghép chân thực, cảm động về một thời kỳ mà khát vọng sống trong độc lập, tự do đã trở thành lẽ sống thiêng liêng, cao cả của cả dân tộc.
Triển lãm là sự tri ân sâu sắc với lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời cũng bắt nhịp cầu nối những giá trị truyền thống với trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi hình ảnh, mỗi hiện vật được trưng bày tại đây vừa kể lại câu chuyện đấu tranh dựng nước và giữ nước, vừa truyền gửi thông điệp về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình và phát triển bền vững. Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ-Thư viện
Phần 3 "Biên cương Tổ quốc" giúp người xem được chiêm ngưỡng vẻ đẹp trọn vẹn và hùng vĩ của non sông Việt Nam từ điểm cực đông - nơi đón ánh mặt trời đầu tiên, đến cực tây với cột mốc biên giới giữa đại ngàn trùng điệp; từ mũi Cà Mau ở tận cùng phía nam đất nước đến Lũng Cú.
Qua ảnh và tư liệu, phần trưng bày vừa làm nổi bật cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, vừa thổi hồn vào từng dải đất nơi địa đầu Tổ quốc bằng câu chuyện về những người đang ngày đêm gìn giữ từng tấc đất quê hương. Đó là hình ảnh người lính biên phòng kiên cường nơi rừng sâu núi thẳm, là đồng bào các dân tộc sống chan hòa, bám đất, giữ làng, là những mái trường nhỏ bé nơi vùng cao, nơi ánh sáng tri thức vẫn kiên cường vượt núi để đến với trẻ em bản làng.

Cờ Tổ quốc từng tung bay ở quần đảo Trường Sa được bảo quản, giới thiệu trang trọng.
Biển đảo - hai tiếng thiêng liêng luôn gợi nhắc đến một phần máu thịt của Tổ quốc. Trong không gian sâu lắng và đầy xúc động của triển lãm, phần 4 "Biển đảo Việt Nam" khơi dậy tình yêu và ý thức bảo vệ chủ quyền trong trái tim mỗi người dân đất Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Phần trưng bày tái hiện chân thực, sống động cuộc sống và công tác của cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió: trên quần đảo Trường Sa, các Nhà giàn DK1 và các lực lượng bám biển đang lặng lẽ giữ vững chủ quyền nơi đầu sóng.

Khách tham quan thể hiện sự trang trọng khi tham gia các sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Nội dung trưng bày cũng phản ánh mối quan hệ gắn bó giữa hậu phương và người lính: những lá thư tay gửi từ đất liền ra đảo, những chuyến tàu chở mùa xuân vượt sóng gió, những đoàn công tác mang hơi ấm đất mẹ đến với Trường Sa.
Mỗi hình ảnh là một lát cắt xúc động, khiến người xem thêm thấu hiểu rằng: để giữ yên chủ quyền biển đảo, có biết bao người đã âm thầm hy sinh, cống hiến.

Triển lãm thu hút đông đảo khách tham quan
Phần 5 "Đất nước đổi mới, phát triển" mở ra không gian tươi sáng, hiện đại như lời khẳng định mạnh mẽ: Việt Nam, một đất nước bước ra từ chiến tranh tàn khốc, đã và đang vươn mình mạnh mẽ.
Phần trưng bày giới thiệu những hình ảnh, tư liệu phản ánh hành trình phát triển vượt bậc, minh chứng rõ nét cho diện mạo mới của một đất nước đang từng bước tiến vào kỷ nguyên số, hội nhập sâu rộng với thế giới nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Người xem triển lãm không khỏi bồi hồi, xúc động. Có những ánh mắt rưng rưng, có những nụ cười đầy tự hào về con người, đất nước Việt Nam. Người lớn tuổi xem để hoài niệm, để thấy lại bóng dáng một thời đã sống, đã chiến đấu; giới trẻ đến để hiểu, để thêm biết ơn và nhận lấy một phần trách nhiệm thiêng liêng.
Khép lại hành trình của triển lãm là không gian tràn đầy sức sống, hội tụ hình ảnh của lớp lớp thanh niên Việt Nam trong thời đại mới - những con người đang tiếp nối truyền thống anh hùng của cha anh bằng hành động cụ thể, thiết thực.
Phần 6 "Cuộc vận động Tự hào một dải non sông" ghi dấu những hình ảnh tiêu biểu, đầy xúc động về các hoạt động của tuổi trẻ cả nước hưởng ứng cuộc vận động "Tự hào một dải non sông" do Trung ương Đoàn phát động từ ngày 24/12/2023.
Từ vùng cao đến hải đảo, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng thấy bóng dáng Việt Nam trong hành trình khám phá các địa danh lịch sử, về nguồn, tri ân, bảo vệ môi trường, khởi nghiệp sáng tạo, tiên phong chuyển đổi số, đổi mới công nghệ.

Triển lãm có nhiều nội dung sâu sắc, xúc động với người xem.
Không gian cũng trưng bày chiếc xe mô-tô CB500X được ông Trần Vũ Thành, Chủ tịch Hội Biển đảo Việt sử dụng trong hành trình kết nối, tri ân "Tự hào một dải non sông" suốt một vòng biên giới Việt Nam từ ngày 9/3-11/4 với chặng di chuyển trên 8.000km đường bộ, chinh phục 20 cột mốc quốc gia, điểm cực trên bộ, trên biển của Tổ quốc.
Trong suốt hành trình ý nghĩa ấy, các thành viên trong đoàn đã dâng hương tại nhiều đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ, Đền thờ Bác Hồ và thăm, tặng quà các mẹ Liệt sĩ Gạc Ma tại thành phố Đà Nẵng.

Thế hệ thanh niên xúc động khi chạm vào vỏ ốc được gửi về từ Trường Sa.
Người xem triển lãm không khỏi bồi hồi, xúc động. Có những ánh mắt rưng rưng, có những nụ cười đầy tự hào về con người, đất nước Việt Nam. Người lớn tuổi xem để hoài niệm, để thấy lại bóng dáng một thời đã sống, đã chiến đấu; giới trẻ đến để hiểu, để thêm biết ơn và nhận lấy một phần trách nhiệm thiêng liêng.
Nhiều em học sinh lần đầu nhìn thấy cột mốc Lũng Cú, lần đầu nghe đến Nhà giàn DK1 không giấu nổi tò mò với những câu hỏi ngây thơ, trong sáng.

Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ-Thư viện phát biểu tại lễ khai mạc.
Chia sẻ về triển lãm, Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ-Thư viện thuộc Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, nhấn mạnh: "Triển lãm là sự tri ân sâu sắc với lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời cũng bắt nhịp cầu nối những giá trị truyền thống với trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi hình ảnh, mỗi hiện vật được trưng bày tại đây vừa kể lại câu chuyện đấu tranh dựng nước và giữ nước, vừa truyền gửi thông điệp về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình và phát triển bền vững".
"Chúng tôi kỳ vọng rằng, thông qua triển lãm, người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ càng thêm tự hào về truyền thống cha ông, nhận thức sâu sắc hơn về vai trò của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đó cũng chính là mục tiêu cao nhất để lịch sử trở thành nguồn cảm hứng, động lực cho từng bước đi vững chắc cho các thế hệ trong tương lai", Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng nói.

Chiếc xe mô-tô CB500X do Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Trần Vũ Thành sử dụng trong hành trình kết nối, tri ân "Tự hào một dải non sông" được trưng bày tại triển lãm.
Ông Nguyễn Văn Hùng, 78 tuổi, cựu chiến binh, tham gia kháng chiến chống Mỹ, xúc động chia sẻ: "Tôi đã đi qua chiến tranh, chứng kiến bao đồng đội ngã xuống. Hôm nay, ngắm những bức ảnh, đọc những dòng ghi chú, lòng tôi nghẹn lại. Ký ức ùa về như mới hôm qua. Tôi thấy lại thời trai trẻ đầy lý tưởng và cũng xúc động, tự hào khi đất nước hôm nay đã đổi thay quá nhiều, tinh thần yêu nước tươi mới, đầy khát khao trong lớp trẻ".
Lê Minh Thư, 21 tuổi, sinh viên Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) bày tỏ: "Là người trẻ, sinh ra sau chiến tranh, em chỉ biết về lịch sử qua sách vở. Nhưng hôm nay, khi tận mắt nhìn những hình ảnh bộ đội Trường Sa, nghe những câu chuyện từ các nhà giàn DK1, em mới thực sự hiểu: Tự do mà em đang có là sự đánh đổi bằng máu, bằng nước mắt của biết bao thế hệ. Em biết ơn và cũng thấy mình cần sống có trách nhiệm hơn với đất nước".

Chủ tịch Hội Biển đảo Việt Nam Trần Vũ Thành
Cháu Nguyễn Mai Vy, 12 tuổi hồn nhiên chia sẻ: "Con thích nhất là phần về biển đảo. Con thấy chú bộ đội đứng gác ngoài biển, không có nhà, chỉ có sóng và trời. Con thấy thương chú lắm. Con muốn học thật giỏi, sau này làm cô giáo dạy học cho các bạn nhỏ ở đảo xa, bởi nơi đảo xa quá khắc nghiệt nên lâu nay chỉ thấy toàn các thầy giáo".

Phụ san Báo Nhân Dân - món quà đầy ý nghĩa.
Triển lãm "Tự hào một dải non sông" mở ra hành trình cảm xúc, để mỗi người được ôn lại quá khứ hào hùng và khơi dậy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc trong từng trái tim người Việt.
Qua từng bức ảnh, hiện vật, triển lãm đã khắc họa rõ nét những dấu mốc lịch sử, những chiến công hiển hách, những hình ảnh của những người lính và thế hệ trẻ anh hùng đã và đang cống hiến vì Tổ quốc.

Góc đọc báo và giao lưu tại không gian triển lãm
Từ những hình ảnh giản dị mà thiêng liêng ấy, mỗi chúng ta sẽ thêm yêu đất nước mình, thêm hiểu và trân trọng những gì đã và đang có, đồng thời, khắc sâu trách nhiệm bảo vệ và xây dựng một Việt Nam ngày càng vững mạnh; cùng chung tinh thần tiếp nối những trang sử vàng son, để mãi mãi giữ gìn và phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, xây dựng một đất nước Việt Nam đoàn kết, thịnh vượng và vươn xa.
Triển lãm diễn ra từ 29/4 đến 4/5 tại Nhà triển lãm số 45 phố Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo nhandan.vn
https://nhandan.vn/khai-mac-trien-lam-tu-hao-mot-dai-non-song-post876127.html