Cập nhật: 30/04/2025 19:56:00
Xem cỡ chữ

Trưa ngày 30/4/1975, những chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, Lá cờ Giải phóng tung bay, cả dân tộc vỡ oà trong niềm vui toàn thắng. Giữa những đoàn quân thần tốc tiến vào Sài Gòn, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 là đơn vị nòng cốt thọc sâu, đánh thẳng vào Dinh Độc Lập. 50 năm đã trôi qua, thời khắc hòa bình ấy vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính đã trực tiếp chứng kiến và cùng làm nên thời khắc lịch sử.

Trung đoàn 66, sư đoàn 304 là một trong những đơn vị đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975, trực tiếp bắt giữ Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các, buộc họ phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.

50 năm sau ngày chiến thắng, những người lính Trung đoàn 66 năm xưa lại có dịp hội ngộ. Họ, mỗi người mang trên mình một trọng trách riêng, từ những bước chân thầm lặng của lính trinh sát, sự kiên cường của lính chiến đấu, đến sự tận tụy của lính hậu cần, lính thông tin, tất cả đã hòa thành dòng chảy sức mạnh, viết nên trang sử vàng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong khoảnh khắc lịch sử ấy, khi cánh cổng Dinh Độc Lập bật mở, một nhiệm vụ thiêng liêng được giao phó cho những người lính ưu tú nhất. Trong đội hình tiến vào Dinh Độc Lập, cựu chiến binh Trịnh Khắc Ba may mắn được tham gia bắt và chứng kiến thời khắc lịch sử khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng.

Không tiếng súng cuối cùng, không sự kháng cự tuyệt vọng, chỉ còn sự tất yếu của lịch sử. Ngay sau lời tuyên bố đầu hàng vang lên, trận chiến hơn hai thập kỉ đã chính thức khép lại, với những người chiến sĩ khi ấy, đó là khoảnh khắc chẳng thể nào quên.

Tròn nửa thế kỷ kể từ ngày đất nước hoàn toàn giải phóng,, những mái đầu xanh ngày nào giờ đã bạc màu sương gió nhưng ký ức về ngày thống nhất vẫn vẹn nguyên. Khoảnh khắc chạm tay vào hòa bình cách đây 50 năm vẫn được các thế hệ khắc ghi và tiếp nối bằng lòng tri ân sâu sắc và trách nhiệm lớn lao trong công cuộc dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Phương Anh