Cập nhật: 03/05/2025 19:55:00
Xem cỡ chữ

Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng dự kiến sẽ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến, xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

Tại buổi tọa đàm lấy ý kiến tham gia các dự án Luật do Công an tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vừa qua, các ý kiến đều nhất trí cao về việc rất cần thiết xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Dữ liệu cá nhân là vấn đề liên quan chặt chẽ tới quyền con người, quyền công dân đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên, thời gian qua, nhận thức, ý thức về bảo vệ dữ liệu cá nhân của các cá nhân, cơ quan, tổ chức còn hạn chế dẫn đến tình trạng lộ lọt, buôn bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của chủ thể dữ liệu, mà còn tác động trực tiếp tới an ninh, chủ quyền quốc gia.

Với thực trạng buôn bán, xử lý dữ liệu cá nhân tràn lan như hiện nay, việc không có chế tài xử lý hoặc chế tài xử lý không đủ mạnh, không đủ sức răn đe sẽ không giải quyết được tình hình.

Theo thống kê của Bộ Công an, đến thời điểm hiện tại có tổng số 69 văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam nhưng tất cả đều chưa thống nhất về khái niệm và nội hàm dữ liệu cá nhân, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Theo Bộ Công an, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân sẽ quy phạm đầy đủ các quyền của chủ thể dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân, các hành vi vi phạm quy định sẽ được căn cứ vào Luật để đề xuất các hình thức, biện pháp xử lý phù hợp. Vì vậy, việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân là rất cần thiết, giúp nâng cao nhận thức của cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ bảo vệ dữ liệu cá nhân. Các chế tài được áp dụng sau khi ban hành Luật cũng mang tính răn đe, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tôn trọng và tuân thủ các quy định trong hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân./.

Minh Ánh/Công an tỉn