Cập nhật: 19/05/2025 20:05:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 19/5, đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân.

Đại biểu Quốc hội đề nghị không nên quy định một trong những điều kiện để được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là “Có độ tuổi từ đủ 45 tuổi trở lên” mà cần chú trọng đến các tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, thời gian công tác, kinh nghiệm xét xử, đạo đức nghề nghiệp để lựa chọn người có thể được bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc nếu vẫn cần có giới hạn về độ tuổi, thì nên bổ sung thêm cơ chế linh hoạt như trường hợp đặc biệt, người dưới 45 tuổi nhưng có đủ điều kiện về năng lực, thành tích nổi bật và được đánh giá xuất sắc trong công tác có thể được xem xét bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. 

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung nhiệm vụ Tòa án cấp tỉnh thực hiện kiểm tra, thanh tra định kỳ hoặc đột xuất với hoạt động xét xử, giải quyết vụ việc đối với Tòa án khu vực thuộc địa bàn, báo cáo kết quả kiểm tra, kiến nghị biện pháp xử lý sai phạm lên Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. 

Đối với đề xuất tăng số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13 đến 17 người lên từ 23 đến 27 người, đại biểu cho rằng nếu đề xuất tòa phúc thẩm được xét xử giám đốc thẩm hoặc tái thẩm thay cho hội đồng thẩm phán thì số lượng thẩm phán không cần thiết phải đông như đề xuất trên. Tuy nhiên, nếu giám đốc thẩm, tái thẩm giao cho hội đồng thẩm phán xét xử, việc đề xuất số lượng tăng từ 23 - 27 người là phù hợp.

Đại biểu Lê Tất Hiếu thảo luận tại hội trường chiều 19/5.

Buổi chiều, cho ý kiến vào dự thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Lê Tất Hiếu, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh thống nhất cao với dự thảo đã bám sát các các chủ trương của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân tại các kết luận của Trung ương nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân các cấp; theo đó, sửa đổi các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy mới và bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

Đối với quy định về bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, đại biểu Lê Tất Hiếu cho rằng: Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng như Pháp lệnh số 02 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa có quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Viện kiểm sát nhân dân; dẫn đến, đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân thì Viện kiểm sát nhân dân phải lập biên bản và chuyển đến Cơ quan Công an, Tòa án nhân dân để xem xét xử phạt vi phạm. Do đó, việc bổ sung thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân là phù hợp.

Ngày mai (20/5), Quốc hội sẽ thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; dự án Bộ luật Hình sự sửa đổi và một số dự án Luật khác.

Ngọc Anh