Cập nhật: 20/05/2025 20:05:00
Xem cỡ chữ

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, sáng 20/5, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các ông, bà Đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Vĩnh Phúc đã tham gia phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đồng tình về sự cần thiết, bố cục và phạm vi sửa đổi, bổ sung và thống nhất với nhiều nội dung trong dự thảo luật. Đại biểu cho rằng: việc yêu cầu các thành viên góp vốn trong công ty hợp danh kê khai thông tin là chưa phù hợp bởi theo Luật Doanh nghiệp, công ty hợp danh có tư cách pháp nhân. Trong công ty hợp danh, mọi quyết định của công ty đều do thành viên hợp danh. Thành viên góp vốn không được tham gia quản lý công ty, không được tiến hành công việc kinh doanh nhân danh công ty tức là không có quyền chi phối công ty.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị sửa đổi quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp để tương thích với quy định về người đại diện tại Bộ luật Dân sự năm 2015; sửa đổi quy định theo hướng thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi nhận được thông báo các doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đăng ký trên 1 năm và yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan thuế.

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Tổ trưởng Tổ Đại biểu Quốc hội số 15 gồm các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bình Thuận, Quảng Trị, Bình Phước, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Tổ về một số dự án Luật.

Đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc, Tổ trưởng Tổ 15 điều hành phiên thảo luận tổ.

Cho ý kiến đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự, với đề xuất bổ sung mới hình phạt tù chung thân không xét giảm án để thay thế hình phạt tử hình đối với 3 tội danh gồm: Tội gián điệp; Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, đại biểu Lê Tất Hiếu đề nghị giữ quy định hình phạt tử hình vì cần thiết trong bối cảnh hiện nay nhằm bảo đảm việc răn đe, phòng ngừa tội phạm, trừng trị các tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng như bảo đảm hiệu quả khả năng thu hồi tài sản tham nhũng cho nhà nước; bổ sung trong dự thảo về nội dung: hoãn thi hành án tử hình 02 năm bởi đây là một trong những chính sách nhân đạo cần được quy định để áp dụng đối với người bị kết án tử hình, đồng thời góp phần tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát; đề nghị cân nhắc việc bổ sung hình phạt chính là tù chung thân không xét giảm án; nghiên cứu chỉnh sửa việc nâng mức hình phạt tiền, hình phạt tù đối với một số tội danh trong dự thảo Luật. 

Đối với các tội danh về tham nhũng, đề xuất sửa đổi, bổ sung cụ thể các tội xâm phạm về tham nhũng theo hướng điều chỉnh nâng mức định lượng về tiền trong cấu thành tội phạm, nâng mức phạt tiền đối với các loại tội phạm để bảo đảm tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.

Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức tín dụng, về quyền thu giữ tài sản đảm bảo, Đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng việc sửa đổi góp phần Luật hóa một số quy định về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, khắc phục tình trạng khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm, hạn chế nợ xấu ngày càng có xu hướng tăng và đề nghị cần có quy định về các biện pháp xử lý khi bên thu giữ và người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm cho các tổ chức tín dụng.

Ngày mai (21/5), Quốc hội sẽ thảo luận về việc rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; Ngày bầu cử toàn quốc đối với bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031 và thảo luận về một số dự án Luật và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.

Ngọc Anh